Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được xác định là
một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện, bối cảnh hiện
nay. Công tác này phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với những
cơ chế, chính sách phù hợp.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn các sự
cố an ninh mạng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều do con người trực tiếp
hoặc gián tiếp vi phạm, bỏ qua các chính sách bảo mật thông tin. Giáo sư Robert
McClelland, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho rằng, việc
vượt qua thách thức bảo toàn an ninh thông tin đòi hỏi không chỉ các giải pháp
kỹ thuật, công nghệ mà còn cần quản trị yếu tố con người. Ông cũng khẳng định
yếu tố con người được xem là mắt xích yếu nhất trong việc tạo ra môi trường kỹ
thuật số an toàn và bảo mật.
|
|
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn
một số tồn tại, hạn chế, như: Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự
thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo về an toàn, an ninh mạng còn chưa cao. Hành
lang pháp lý và hệ thống pháp luật về an toàn, an ninh mạng chưa hoàn thiện.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra,
đặc biệt đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch xuyên biên giới. Hoạt động tấn
công mạng gia tăng. Tình trạng thu thập trái phép, mua bán thông tin, dữ liệu
cá nhân vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục có
chiều hướng tăng...
Khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 17% doanh
nghiệp Việt Nam được xếp ở giai đoạn triển khai nâng cao và sẵn sàng giải quyết
các rủi ro bảo mật; 23% doanh nghiệp chuẩn bị tốt về dữ liệu; 31% doanh nghiệp
chuẩn bị tốt về thiết bị cho giải quyết các vấn đề bảo mật; 53% tổ chức, doanh
nghiệp mới đang ở giai đoạn bắt đầu. Điều này cho thấy việc chuẩn bị và mức độ
sẵn sàng cho giải quyết vấn đề an ninh mạng chưa cao. Đây là một trong các
nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng thời gian
qua.
Theo các chuyên gia, nếu người dùng nhận thức
đầy đủ và có kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin cơ bản thì có thể tự phòng tránh
được tới hơn 80% nguy cơ mất an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng.
Trên thực tế, nhận thức của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử
dụng trong cộng đồng hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đủ để tự bảo vệ
mình trước những mối đe dọa về an toàn thông tin. Nhiều người dùng chưa có các
kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin, phòng tránh lây nhiễm mã độc; sử dụng các
phần mềm lậu, truy cập các trang web không uy tín, hoặc không sử dụng các phần
mềm bảo vệ thiết bị.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo an toàn,
an ninh mạng quốc gia ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, không gian
mạng đã trở thành không gian chiến lược; phải chủ động ứng phó với các thách
thức từ không gian mạng, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, phải có sự tham
gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân;
trong đó Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban An toàn, An ninh
mạng, các lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nòng cốt, là trực tiếp.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm an
toàn, an ninh mạng, cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về bảo đảm an
toàn, an ninh mạng. Thực hiện có hiệu quả Quyết định 1907/QĐ-TTg ngày
23/11/2020 về Đề án Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về
an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường giáo dục các quy định của
pháp luật về quản lý không gian mạng; cách thức nhận diện các âm mưu, thủ đoạn
tấn công mạng và các hình thái tiêu cực phát sinh trên không gian mạng cho toàn
thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo của Ban
Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia. Tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm
(an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không
gian mạng; đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, để công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng
chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn. Tham mưu cho cấp có thẩm
quyền hoàn thiện các chính sách về an toàn, an ninh mạng, thực hiện các chiến
lược, đề án về an ninh mạng.
Phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng
chuyên trách và các lực lượng tham gia trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Nắm
chắc tình hình có liên quan đến hoạt động bảo vệ an toàn, an ninh mạng; phòng,
chống tấn công và bảo vệ hoạt động ổn định của hệ thống thông tin quan trọng;
ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng nhằm gây phương hại an ninh quốc
gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động tấn công vô hiệu hóa mục tiêu trên không
gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Nâng cao trách nhiệm và các kỹ năng cần thiết
về an toàn, an ninh mạng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian
mạng. Tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn, an ninh
mạng. Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an toàn, an ninh mạng,
nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan
có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn
của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an toàn, an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều
kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo
vệ an toàn, an ninh mạng.
Chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực,
thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2022 -
2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số chế độ ưu đãi
và chế độ đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhân sự
làm về an toàn thông tin mạng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét