Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sớm hình
thành và hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn. Yêu nước là chuẩn mực cao
nhất trong giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu
này luôn gắn kết chặt chẽ với khát vọng được sống trong độc lập, tự do của mỗi
người dân Việt Nam. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại
xâm, Nhân dân ta lại đứng lên, kiên cường, bất khuất đánh đuổi bọn xâm lược,
giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống
trị. Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc, không cam
chịu ách thống trị của thực dân Pháp, lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước đã
đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức để cứu nước, cứu dân. Song các cuộc đấu
tranh yêu nước đó cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều bị thực dân
Pháp đàn áp đẫm máu. Nhưng sự thất bại đó đã không làm nản lòng Nhân dân Việt
Nam, mà là những bài học kinh nghiệm quý giá, giúp cho cuộc Tổng khởi nghĩa
Tháng Tám năm 1945 thành công.
Bản Tuyên ngôn Độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết đọng
giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, đồng
thời khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc Việt Nam: “Quyết đem tất cả
tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập
ấy”.
Với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm
cao của cả dân tộc, trong 30 năm chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã liên tục kháng chiến đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các
thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, có tiềm lực kinh tế và quân sự, kỹ thuật
hiện đại hơn chúng ta nhiều lần. Nhân dân Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để
bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét