Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

NVH40 - Giải pháp bảo đảm an ninh mạng thời gian tới

 

Thời gian tới, tình hình an ninh mạng sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, không gian mạng tiếp tục là mục tiêu trọng yếu của các cuộc tấn công, là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại, thực hiện các hành vi phạm tội; đặc biệt là tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống Đảng, Nhà nước, nhất là từ nay đến Đại hội XIII của Đảng. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đối phó có hiệu quả với những thách thức đối với an ninh của đất nước. Để nắm bắt kịp thời cơ hội và phòng ngừa, ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực đối với an ninh đất nước từ không gian mạng, cần triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác bảo đảm an ninh mạng. Tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, các chủ trương về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng quốc gia nhằm nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ cũng như năng lực bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống chiến tranh mạng.

Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét ở Việt Nam. Khẩn trương tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tham khảo chính sách, pháp luật về an ninh mạng của các nước, đồng thời nghiên cứu, rà soát, phát hiện những bất cập trong chính sách, pháp luật của nước ta, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn chưa được điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật để tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách, pháp luật về quản lý “tiền ảo”, “tài sản ảo”, dịch vụ trung gian thanh toán, chứng cứ điện tử, các rô-bốt trang bị trí tuệ nhân tạo,...

Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng. Tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong bảo đảm an ninh, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng ở Việt Nam, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa nguồn lực xã hội trong hoạt động này. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Bốn là, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng. Chủ động phòng ngừa và quyết liệt tấn công, trấn áp mạnh tội phạm mạng, nhất là những loại tội phạm diễn ra phổ biến thời gian qua, như tội phạm tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm do người nước ngoài thực hiện...; kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự trên không gian mạng.

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, nhằm tự chủ về công nghệ và trang thiết bị, không để bị lệ thuộc vào nước ngoài. Có lộ trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin và an ninh mạng, trong đó, lựa chọn các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh để ưu tiên phát triển. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng. Nghiên cứu các mô hình đổi mới, sáng tạo có hiệu quả trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ bảo đảm an ninh mạng.

Sáu là, chú trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và an ninh mạng làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam, không để tình trạng “chảy máu chất xám” về công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...