Đại hội XIII của Đảng xác định tầm nhìn và định hướng phát triển
đất nước trong những mốc lịch sử quan trọng: Một là, đến năm
2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt
Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện
đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đảng ta đã đề ra các chỉ tiêu chủ
yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó: “Tốc độ tăng
trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân
đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD”. Hai là, đến năm 2030, kỷ
niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Định hướng phát triển đất nước giai
đoạn 2021 - 2030, Đảng ta xác định 12 định hướng trên các lĩnh vực của đời sống
xã hội, trong đó về lĩnh vực kinh tế là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi
mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng…; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và
sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ba là, đến năm 2045, kỷ niệm
100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao: “Khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện,
đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến
giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”.
Về định hướng phát triển lý luận thời gian tới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiệm vụ đối với toàn Đảng
nói chung và đội ngũ làm công tác lý luận nói riêng là tăng cường tổng kết thực
tiễn để làm rõ hơn nữa lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
trong thời kỳ đổi mới, dưới tác động của những biến đổi của các nhân tố thời
đại và của thế giới hiện nay. Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và
phát triển vẫn là xu thế lớn, song chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, trở
ngại. Đó là: Tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới có những biến động
lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước
lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp, quyết liệt; chủ nghĩa dân tộc
cực đoan, chủ nghĩa dân túy, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia
tăng. Tiến trình toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại,
luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức
lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức đối
với mọi quốc gia, dân tộc...
Hiện nay, chúng ta đang ở chặng đường “đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước” và phấn đấu trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”,
thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam. Đó vừa là tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù của quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước có điểm xuất phát thấp từ nền sản xuất lạc
hậu như Việt Nam.
Đảng ta đã khẳng định: “Tình hình thế giới và trong nước có cả
thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới,
yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị
cao… đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(7). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, điều hết sức quan trọng
là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn của đất nước để làm
rõ tính đặc thù của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta cần
tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo
những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của
chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi
thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Giá trị của nhận thức đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam hiện nay
Về giá trị lý luận: Thời gian tới, yêu cầu cấp
thiết tiếp tục đặt ra cho công tác lý luận là đẩy mạnh tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, cần có
những đánh giá khách quan về những thành tựu đã đạt được và những bất cập, hạn
chế, khuyết điểm; để có nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu làm rõ một cách
tổng quát lộ trình và những chặng đường của thời kỳ quá độ; nội dung cơ bản của
từng chặng đường đó…; những thành tựu đã đạt được và hạn chế trong nhiệm vụ xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ở các chặng đường đã qua của thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về giá trị tư tưởng: Hiện nay, các thế lực thù
địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó
có Việt Nam. Chúng tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, với nhiều thủ
đoạn chống phá hết sức tinh vi, thâm độc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội,
trong đó có lĩnh vực tư tưởng, lý luận, với mục tiêu nhằm phủ nhận bản chất
khoa học, cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của của
Đảng và thành tựu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong
công cuộc đổi mới. Tính chất thâm độc của các thủ đoạn, hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch đối với nước ta trong những năm gần đây là triệt để lợi
dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, với các chiêu trò “đổi trắng thay đen”,
đưa các thông tin đúng - sai lẫn lộn và xây dựng các “ngọn cờ” chống phá từ bên
trong, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trước tình hình
trên, việc làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có giá trị tư
tưởng quan trọng, là cơ sở phản bác một cách thuyết phục, đanh thép các luận
điệu sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng
đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vào chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh
thời đại để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện khát vọng phát triển
đất nước phồn vinh, hạnh phúc, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Về giá trị thực tiễn: Năng lực, uy tín của một đảng
chính trị cầm quyền bao giờ cũng được đánh giá bởi thước đo thực tiễn với nhiều
yếu tố, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, yếu tố quan trọng hàng
đầu là có thực hiện đúng mục tiêu, đường lối đề ra và thúc đẩy đất nước phát
triển; có nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, khắc phục khó khăn và nguy cơ
đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia và nền độc lập dân tộc không; cải thiện
đời sống cho nhân dân lao động đến đâu và được quốc tế đánh giá như thế nào?…
Với Việt Nam, những thành tựu mà đất nước đạt được trong 35 năm đổi mới chứng
minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta luôn luôn nhất quán, kiên
định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của
Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về giá trị tổ chức và triển khai: Việc làm rõ con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có giá trị dẫn dắt trong tổ chức quán triệt và
triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trong thực tiễn theo chức năng, nhiệm
vụ của mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, chức trách của mỗi cán bộ, đảng
viên. Đường lối đổi mới, tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước đã xác
định trong Đại hội XIII của Đảng chỉ trở thành lực lượng vật chất khi được thâm
nhập, quán triệt sâu sắc và tổ chức có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn ở mỗi
tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, đó là cơ sở để mỗi tổ
chức đảng, cán bộ, đảng viên làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền
sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến quần chúng nhân dân. Với trí tuệ,
bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo đúng đắn, kinh nghiệm lãnh đạo
quý báu của Đảng, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân, khát vọng về
một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và mục tiêu đưa nước ta trở thành
nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ trở thành hiện thực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét