Nhận diện và phản bác các luận điệu
sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về thành tựu bảo đảm quyền
con người ở Việt Nam Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là vấn đề thuộc
bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng
và Nhà nước Việt Nam. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt
được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Tuy
nhiên, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị núp bóng dưới ngọn cờ
“dân chủ, nhân quyền” thường xuyên lợi dụng, xuyên tạc, hòng gây mất ổn định
chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhằm chống phá, xóa bỏ chế độ xã hội chủ
nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam lựa chọn và xây dựng.
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực
phản động
Những chiêu trò xuyên tạc của chúng
thường được biểu hiện như sau: Chúng cổ xúy những giá trị quyền con người
phương Tây, coi phương Tây là trung tâm, chi phối quyền con người toàn thế giới,
ra sức tuyên truyền, cổ vũ cho luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi
ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”. Chúng gắn “điều kiện”, “tiêu
chuẩn” phi pháp về quyền con người trên nhiều lĩnh vực, như quan hệ ngoại giao,
hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục,... hòng
gây sức ép yêu cầu Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, chính trị, pháp lý theo
cái gọi là chuẩn mực, giá trị dân chủ, quyền con người kiểu phương Tây. Chúng
tìm cách can thiệp vào quá trình xây dựng, sửa đổi pháp luật Việt Nam và gây sức
ép đòi mở rộng các quyền và tự do cơ bản của công dân, tạo hành lang cho các tổ
chức và phần tử chống đối trong nước hoạt động. Chúng tìm cách khoét sâu những
hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực
hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng và công bằng xã hội…
Quyền con người là giá trị chung
của nhân loại, là mục tiêu hướng tới của mọi xã hội dân chủ và văn minh. Cùng với
sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945, những văn kiện quốc tế về quyền con người
cũng được xây dựng và phát triển (Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm
1948, Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952, Công ước về xóa bỏ mọi
hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc năm 1965, Công ước về các quyền dân sự,
chính trị (ICCPR) năm 1966, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa
(ICESCR) năm 1966...), quyền con người được khẳng định là những giá trị bẩm sinh,
vốn có của mỗi cá nhân, được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và quốc
tế; là những giá trị, ngôn ngữ và tiêu chuẩn chung của nhân loại.
Đảng ta luôn coi quyền con người
là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động
và các dân tộc bị áp bức trên thế giới; qua đó, quyền con người trở thành giá
trị chung của nhân loại, không phải là một phát kiến, sản phẩm của riêng giai cấp
tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Tây. Quyền con người luôn gắn liền với quyền
dân tộc tự quyết và chủ quyền quốc gia, gắn bó mật thiết trong toàn bộ quá
trình phát triển của lịch sử "Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh
ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự
do". Quyền dân tộc tự quyết được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và
được nhấn mạnh trong các văn kiện quốc tế, rằng: “Tất cả các dân tộc đều có quyền
tự quyết... Khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”. Vì
vậy, không một quốc gia, không một tổ chức nào được phép tự coi mình là đại diện
cho quyền con người toàn nhân loại, sử dụng cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ
quyền”, “nhân quyền không biên giới” nhằm can thiệp vào công việc nội bộ các quốc
gia có chủ quyền, bởi đó là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
Thực tiễn lịch sử nước ta cho thấy
từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được
thành lập đến nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm quyền con
người. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta xác định, mục tiêu
của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách
mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công,
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới được
thay đổi từ nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, quyền con
người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959. Chỉ thị
số 12-CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, “Về vấn đề
quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” xác định những nội dung cốt
lõi nhất về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam
về vấn đề quan trọng này. Và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013 quy định bản chất
quyền lực của Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về
Nhân dân… Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân
dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công
dân” (Điều 1, Điều 2, Điều 3, Hiến pháp năm 2013). Quan điểm con người vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của
Đảng và pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định:
"Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống,
nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của
nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".
Bên cạnh đó, trong suốt chiều dài lịch
sử, Việt Nam tích cực tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về nhân quyền như
năm 1957, Việt Nam tham gia 4 Công ước Giơ-ne-vơ của Luật Nhân đạo quốc tế; sau
khi đất nước thống nhất, trở thành thành viên của Liên hợp quốc năm 1977. Cùng
với sự phát triển của đất nước, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng
cố, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham
gia các điều ước quốc tế, phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng nhằm thực hiện
tiến bộ xã hội, mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi
nhận và đánh giá cao. Ngày 11/10/2022 Việt Nam được bầu chọn làm thành viên Hội
đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là sự công nhận vị thế của
Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của
Việt Nam với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người.
Những thành tựu đó là kết quả của
cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và
nhân dân ta. Ngày nay Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - đây chính là biểu hiện cao nhất và cụ thể
nhất của quyền con người Việt Nam, của sự khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Quyền con người luôn là quyền cơ bản và quan trọng nhất, thể hiện bản chất tốt
đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, nhận diện, vạch trần và kiên
quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành tựu bảo đảm
quyền con người có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
bảo đảm ổn định và sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét