Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, bảo đảm các tôn giáo được đối xử một cách bình đẳng và các tôn giáo ổn
định, đoàn kết trong một đất nước có sự đa dạng tôn giáo cao, bên cạnh đó còn
có sự đa dạng về tộc người với những truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt.
Đây phải được xem là một thành tựu quan trọng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực
tôn giáo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm có tính chất đổi mới
nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo
đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất
nước”.
Song bên cạnh
đó, tôn giáo cũng là cái “cớ” để các thế lực thù địch khai thác, nhằm xuyên tạc
chống phá Đảng, chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đoàn kết
tôn giáo, gây chia rẽ, kích động hận thù hoặc tạo tâm lý hoang mang, lo lắng,
gây tư tưởng chia rẽ, bạo loạn,... Thời gian vừa qua đối tượng Diễm Thi tán phát bài “Quan điểm
về Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách Theo dõi đặc biệt của Hoa Kỳ về quyền tự do
tôn giáo”. Mục đích nhằm xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt
Nam; phủ nhận các chính sách thực hiện quyền tự do tôn giáo của Nhà nước ta; vu
cáo chính quyền “ đàn áp và phá hoại” tôn giáo, đồng thời cổ xúy hoạt động của
các đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Việt Nam. Vì vậy, cần
nhận diện chúng một cách chính xác nhằm thấy rõ động cơ, mục đích cũng như
phương thức tiến hành của chúng để có cơ sở đấu tranh, phản bác.
Theo pháp luật Việt Nam, việc tuyên truyền tôn giáo, tổ chức các hoạt
động tôn giáo đông người ngoài cơ sở thờ tự và những địa điểm hợp pháp khác, mà
chưa được sự đồng ý của chính quyền là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi thấy
các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn những hoạt động này, các thế lực thù
địch cho rằng, đó là hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế
tôn giáo mà quên rằng, các cơ quan đang thực thi pháp luật Việt Nam chứ không
phải thực thi pháp luật của một đất nước nào khác.
Pháp luật Việt Nam quy định, những hoạt động tụ tập đông người ở nơi
công cộng đều phải được sự đồng ý của chính quyền, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy
thế, nhiều hoạt động tôn giáo tụ tập đông người vẫn cố tình diễn ra dù chưa
được phép. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và thách thức pháp luật. Các cơ quan
có thẩm quyền ngăn chặn các hoạt động kiểu như thế này là hoạt động thực thi và
bảo vệ pháp luật.
Ở Việt Nam còn có nhiều dạng thức hoạt động tôn giáo chưa được công
nhận, có những hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ, gây ra những vụ việc
phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân
tộc. Có thể kể ra một số tổ chức, hội, nhóm sau: Hội đồng liên tôn Việt Nam; Hội
đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt
Nam; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo truyền
thống; Ban Đại diện Khối nhơn sanh Cao Đài; Liên hiệp Ban Trị sự Hội thánh em
(Cao Đài),... Những tổ chức nói trên luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, đi
ngược lại với xu hướng đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo khác ở Việt Nam.
Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam không sách nhiễu, không hạn chế, mà chỉ yêu
cầu và chấn chỉnh các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận thực hiện đúng trong
phạm vi, khuôn khổ theo quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm
đối với những hoạt động của các tổ chức này nếu các hoạt động đó gây ảnh hưởng
cho an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn
giáo. Việc các thế lực phản động, thù địch sử dụng từ hạn chế, sách nhiễu khiến
cho bản chất sự thật bị bóp méo, bởi một số tổ chức tôn giáo chưa được công
nhận đang có những hoạt động trái pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Trên
thế giới, nhiều nước cũng có chính sách ứng xử rất rõ ràng với các tổ chức,
nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Pháp là một ví dụ; Chính phủ Pháp thường
xuyên từ chối công nhận các nhóm tôn giáo “thiểu số”. Luật pháp của Pháp quy
định, nghiêm cấm bất cứ ai lợi dụng tôn giáo của mình nhằm không tuân thủ các
quy định chung về mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền và các cá nhân. Đây
là cơ sở pháp lý để Chính phủ Pháp có thể từ chối công nhận tư cách pháp nhân
cho các nhóm tôn giáo thiểu số.
Có thể nói, chưa bao giờ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
được tôn trọng và bảo đảm như hiện nay. Các tôn giáo, tổ chức tôn giáo liên tục
được công nhận tư cách pháp nhân, số lượng không ngừng tăng lên, mức độ đa dạng
tôn giáo ở Việt Nam xếp hạng nhóm đầu thế giới. Quyền tự do tôn giáo được bảo
đảm ngay cả đối với những người bị giam giữ. Những người nước ngoài đang sinh
sống, làm việc, học tập ở Việt Nam cũng được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo một cách đầy đủ hơn so với trước. Các chức sắc, chức việc, nhà tu
hành, tín đồ các tôn giáo được phép tham gia vào Quốc hội, hội đồng nhân dân
các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, được tham gia tư vấn, phản biện các
chính sách của Nhà nước nói chung và chính sách tôn giáo nói riêng.
Trong nhiều năm qua, những nhận định sai trái, xuyên tạc với thái độ
thù địch và động cơ chính trị xấu vẫn thường xuyên xuất hiện, cho dù tình hình
tôn giáo ở Việt Nam tốt đẹp, quyền tự do tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt
hơn thì những luận điệu kiểu ấy vẫn phát tán và hoàn toàn không ăn nhập gì với
thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Một sự việc rất nhỏ, một mâu thuẫn bình
thường trong lĩnh vực tôn giáo có thể bị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc trở nên
nghiêm trọng; một vụ việc tôn giáo xảy ra tại một khu vực, một địa phương cũng
rất dễ bị khuếch đại thành vấn đề quốc tế; một sự kiện vốn chỉ là hiện tượng,
nhưng có thể bị xuyên tạc trở thành bản chất;… Những thủ đoạn của các thế lực
phản động nhằm mục đích là phản ánh sai lạc, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở
Việt Nam, xuyên tạc bản chất của mối quan hệ giữa Nhà nước với tôn giáo, làm
phức tạp thêm tình hình, duy trì và nuôi dưỡng những mầm mống phản động chống
đối Đảng, Nhà nước, cản trở việc hóa giải những mâu thuẫn, những vụ việc phức
tạp giữa chính quyền với tổ chức và cá nhân tôn giáo, để cuối cùng là
thông qua tôn giáo, lợi dụng tôn giáo để chuyển hóa chế độ của chúng ta. Chính
bởi vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét