Tài khoản mạng của tổ chức phản động “Người Thượng vì công lý” vừa phát tán
video clip có nội dung vu khống chính quyền, công an địa phương “đàn áp” các
tín đồ Tin lành đấng Christ tại buôn Cuôr Knia 2, xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn,
tỉnh Đắk Lắk; kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước “lên án” các hành động
trên của chính quyền, yêu cầu Việt Nam cho phép người dân được tự do sinh hoạt,
thời tự tôn giáo.
Trước hết phải khẳng định rằng: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính sách
nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quan điểm, chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt
Nam. Điều 24 Hiến pháp năm 2013, khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng
trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật”. Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng nêu
rõ: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi
người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn
trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền
thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp
ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn
giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.”… Các quy định
pháp lý của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung về tự do tín
ngưỡng, tôn giáo đã được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Điều 18 của Công
ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam còn được đảm bảo tôn trọng trên thực
tế. Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo
khác nhau. Hiện cả nước có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả
nước). Hàng năm, số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo
chuyên nghiệp không ngừng tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh
của nhân dân. Cả nước hiện có hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc. Số nhà
thờ, đền, chùa, thánh thất và nơi thờ tự không ngừng tăng. Hiện nay, cả nước có
29.658 cơ sở thờ tự; hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Các tôn giáo
ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý
do tín ngưỡng, tôn giáo; không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo
đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng,
tôn giáo nào hoàn toàn là quyền tự do của người dân. Nhà nước Việt Nam bảo đảm
sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chức sắc tôn
giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào
Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định của Hiến
pháp, pháp luật... Các tôn giáo ở Việt Nam có quyền, được Nhà nước tạo điều
kiện mở trường và cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt
động xã hội, từ thiện, nhân đạo… Thực tiễn sinh động, phong phú đã chứng minh
các tôn giáo ở Việt Nam được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để phát triển,
đáp ứng nhu cầu của các tín đồ.
Ở Việt Nam đạo Tin lành có nhiều tổ chức hệ phái. Nhưng những tín đồ “Tin
lành đấng Christ”, “Tin lành đấng Christ Việt Nam” hay “Tin lành đấng Christ
Tây Nguyên” mà trang “Người Thượng vì công lý” nói đến ở đây đều không được
công nhận tại Việt Nam. Việc tổ chức này không được công nhận là hoàn toàn đúng
pháp luật Việt Nam và phù hợp với các văn bản chính trị quan trọng của Liên hợp
quốc.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; tuy nhiên, pháp
luật Việt Nam cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: “Phân biệt
đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở
người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn
giáo. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm
thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người
khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc, chia
rẽ tôn giáo…”.
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về các quyền dân
sự và chính trị đề cập đến quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo nói riêng rất cụ thể và chặt chẽ. Tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền
con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng nhưng cả Tuyên
ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
cũng như các văn kiện quốc tế quan trọng khác đều đề cập đến những giới hạn
trong việc thực hiện quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo nói riêng, mà bản chất của nó là cho phép các quốc gia thành viên có thể
áp đặt một số điều kiện với việc thực hiện hoặc hưởng thụ một số quyền con
người nhất định, theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền
tuyệt đối, mà là quyền có thể bị giới hạn.
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền chỉ rõ: “1. Mọi người đều có những nghĩa
vụ đối với cộng đồng, là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể
phát triển tự do và đầy đủ. 2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi
người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự
công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác,
cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và
phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ…”. Còn theo Công ước Quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị, (1966) “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng
chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo
vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các
quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Thực chất Tin lành đấng Christ không phải là tổ chức tôn giáo mà chỉ là tổ
chức phản động đội lốt tôn giáo, là công cụ để tập hợp lực lượng nhằm phục vụ
cho những mưu đồ chống phá Việt Nam. Do không được công nhận, không có tư cách
pháp nhân nên mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là trái với pháp
luật. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của người dân. Tuy nhiên, mọi hoạt động lợi dụng, đội lốt tín ngưỡng, tôn
giáo để xâm phạm an ninh quốc gia đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của
pháp luật. Việc quản lý các tôn giáo, hoạt động liên quan đến tôn giáo bằng
pháp luật và xử lý những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật ở Việt
Nam là hết sức bình thường nhằm đảm bảo sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, đúng pháp
luật, giữ vững sự ổn định về an ninh trật tự. Luận điệu cho rằng: Việt Nam “đàn
áp” các tín đồ Tin lành đấng Christ mà trang “Người Thượng vì công lý” rêu rao
thực chất vẫn là chiêu trò đội lốt tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế
lực thù địch, phản động mà thôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét