Báo chí là phương
tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là diễn đàn của nhân dân.
Nhiệm vụ quan trọng của báo chí là đưa tin trung thực về tình hình đất nước và
thế giới, qua đó góp phần giữ ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của
nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, không ít đối
tượng xấu đã tung ra những thông tin sai lệch về hoạt động báo chí ở nước ta
nhằm tạo cớ chống phá.
Trong một thời gian dài, trên nhiều trang mạng xã hội do các cá
nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị điều hành và một số báo, đài nước
ngoài có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện cảm với nước ta liên tục đưa ra những
thông tin công kích nền báo chí cách mạng Việt Nam. Các đối tượng ra sức rêu
rao cho rằng “Việt Nam không có tự do báo chí”, “quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí bị Đảng cộng sản ngăn cản”, “Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao
báo chí, tự do internet”…
Liên quan đến việc quy hoạch báo chí ở Việt Nam, những ngày gần
đây, cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” lại tiếp tục lợi dụng để “thổi
lửa” xuyên tạc, tạo cớ chống phá. Trong đó, những thông tin lệch lạc liên tiếp
được đưa ra như: “Đảng chỉ chăm chăm hạn chế quyền tự do báo chí”, “Quy hoạch
báo chí để khẳng định Đảng độc tài, chuyên chế?”…
Những luận điệu nêu trên là hết sức sai lệch, vô căn cứ, được
tung ra nhằm mục đích chống phá, tiêu cực.
Tôn trọng, bảo đảm và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của
báo chí
Trong mọi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đều quan
tâm phát triển báo chí. Đúng như chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra: “Trong thời đại
ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính
trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành
một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn
diện”!
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền được Hiến định. Điều 25,
Hiến pháp năm 2013 của nước ta ghi nhận rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện
các quyền này do pháp luật quy định”. Mọi hành vi cản trở quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí theo quy định của pháp luật đều bị nghiêm cấm.
Báo chí của Việt Nam là báo chí cách mạng, phục vụ sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ của báo chí là thông tin trung thực về tình
hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Trong quá trình hoạt động, báo chí phải chú trọng tuyên truyền, phổ biến, góp
phần xây dựng và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước. Mỗi nhà báo là một “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Thông qua báo chí góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng
cao dân trí. Đồng thời, bằng các hoạt động của mình, báo chí đấu tranh với các
hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Mục đích cao
nhất của hoạt động báo chí là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây
dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra sôi động, tích cực
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống báo chí của nước ta diễn ra
vô cùng sôi nổi. Tính tới ngày 30-11-2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, 72
cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, gần 40.000 người đang
công tác trong các cơ quan báo chí và 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Thống
kê của Hội Nhà báo Việt Nam đến hết tháng 4-2022, có 21.201 hội viên, thuộc 288
tổ chức hội. Đây là những con số hết sức cụ thể, rõ ràng để phản bác luận điệu
cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, hoạt
động báo chí của nước ta cũng thay đổi tích cực. Việt Nam phát triển đầy đủ các
loại hình báo chí, từ báo in, báo nói đến báo hình, báo điện tử. Trong số 816
cơ quan báo chí, có 114 cơ quan báo thực hiện 2 loại hình (in và điện tử), 116
tạp chí thực hiện 2 loại hình (in và điện tử), 557 báo và tạp chí in, 29 báo và
tạp chí điện tử, riêng Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và Đài Phát thanh
- Truyền hình và Báo Bình Phước thực hiện 4 loại hình báo chí trong cùng cơ
quan. Cùng với đó, mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube, Twitter…) cũng trở
thành những kênh chia sẻ thông tin hết sức nhanh chóng, hữu ích.
Mỗi người dân đều được tự do sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp
thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo
chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí. Đồng thời, mỗi
người cũng có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham
gia ý kiến xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên
báo chí. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được tôn trọng và bảo đảm
trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Không thể có báo chí “đứng ngoài chính trị”
Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ
hội chính trị đã triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông để tấn công chế
độ. Núp dưới vỏ bọc “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, chúng tung ra những
thông tin sai lệch, gây chiến tranh tâm lý, kích động sự thù hằn, gây chia rẽ
giữa Đảng với quần chúng nhân dân, giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân
với chính quyền… Để thuận tiện trong hoạt động, các đối tượng xấu cố tình huyễn
hoặc người dân về cái gọi là “báo chí đứng ngoài chính trị”.
Phải khẳng định rõ, nền báo chí chính thống của bất kỳ một chế
độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã
hội ấy. Không bao giờ có một sản phẩm báo chí “chung chung”, “đứng ngoài chính
trị”. Ngay trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay, chúng ta cũng được chứng
kiến một “cuộc chiến tuyên truyền” giữa Nga và các nước phương Tây.
Ở nước ta, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, góp
phần bảo đảm tính cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả của
báo chí, ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định
số 362/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn
quốc đến năm 2025. Phát biểu tại lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XVI năm
2021, diễn ra tối 21-6-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng quán
triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và
hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Báo chí
phải thể hiện được tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước;
là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia,
dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và
dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng
nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu
rộng, thực chất, hiệu quả.
Một lần nữa khẳng định: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm theo đúng quy định của
pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét