Sau hơn 35 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt
Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền
dân chủ và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều đó được thể hiện
sinh động trên thực tế và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy
nhiên, với mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản động chẳng những không
thừa nhận, mà còn ra sức chống phá, với những luận điệu xuyên tạc đến mức lố bịch,
họ cho rằng: ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia
đa dân tộc, đa tôn giáo. Có thể nói, tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh
thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới, từ các hình thức sơ khai, như: Tô tem giáo,
Ma thuật giáo, Saman giáo đến các tôn giáo lớn, được hình thành từ rất sớm, có
tổ chức chặt chẽ, như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Hồi giáo,… trong đó có
những tôn giáo du nhập từ bên ngoài, nhưng cũng có nhiều tôn giáo nội sinh,
như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Thiền phái Trúc Lâm, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt
Nam, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, v.v. Loại hình tổ chức của
các tôn giáo cũng đa dạng: có những tôn giáo chỉ có một tổ chức duy nhất (Phật
giáo, Công giáo) và cũng có những tôn giáo có rất nhiều tổ chức khác nhau (Tin
Lành, Cao Đài), v.v. Nếu như nhiều quốc gia thường có một tôn giáo giữ vai trò
chủ đạo, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, xã hội, thì ở Việt Nam có
nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng cùng tồn tại và bình đẳng về vị thế, không có
tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng quyết định đến đời sống xã hội Việt
Nam.
Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch, phản động luôn coi vấn
đề dân tộc, tôn giáo là “ngòi nổ” trong mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của
Đảng và dân tộc. Họ câu kết với các phần tử cơ hội chính trị, chống đối, cực
đoan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề
tôn giáo, xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở trong nước, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của
chính quyền một số địa phương trong thực hiện các chính sách về kinh tế, xã hội,
một số chức sắc tôn giáo có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch, phản động
lợi dụng để lồng ghép yếu tố chính trị, kích động, gây ra điểm nóng tôn giáo,
vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, v.v. Ở
ngoài nước, một số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng
thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn
giáo, kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do
tôn giáo”, “nhân quyền”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lên
tiếng can thiệp. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế
Hoa Kỳ đưa ra các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó
có nêu một số nội dung nhận định thiếu khách quan, sai lệch dựa trên những
thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng,
tôn giáo thực tế tại Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc
tế khi chính quyền sách nhiễu các tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một
số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long; sách nhiễu những thành viên của các nhóm
tôn giáo tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các
cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền; cản trở việc thực hành tôn giáo của
phạm nhân. Đồng thời, nêu quan ngại về một số trường hợp “tù nhân lương tâm”,
“tù nhân tôn giáo”,... đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần theo dõi đặc biệt
về tự do tôn giáo - SWL”. Lợi dụng việc đó, các thế lực thù địch, phản động, chống
đối, cơ hội chính trị “té nước theo mưa”, ra sức xuyên tạc, bóp méo tình hình tự
do tín ngưỡng, tôn giáo, phê phán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước
ta.
Điều này là hoàn toàn sai trái, mà ngược lại
cần khẳng định rằng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là
chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được
thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Đây là một trong những quyền cơ bản của
mọi người, được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, cũng như Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay khẳng định trên nguyên tắc
hiến định. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà
nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được
xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm
pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn
giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn
khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho
người dân. Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng khẳng định: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một
bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc; coi trọng giữ gìn và “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt
đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”; “Thực hiện tốt
mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật”
Có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam những năm qua là rất đa dạng, sôi động và phong phú. Những
thực tiễn kể trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn
giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Những thành tựu đó không chỉ
nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng
đồng quốc tế thừa nhận. Việc Việt Nam lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu ủng hộ của 145/189
nước đã một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo đảm tốt, không thể phủ nhận.
Do vậy, những nhận định thiếu khách quan, không đúng với thực tế tình hình tự
do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sẽ không bao giờ có giá trị, mà chỉ làm tổn
hại cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, cần phải được vạch
trần, phê phán, bác bỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét