Dự các hoạt động,
hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị thượng đỉnh cộng đồng
châu Á phát thải ròng bằng 0, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp về
một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị,
đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa
bình, ổn định với các nước, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức,
với những “cơn gió ngược”.
Phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ
ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng đề nghị ASEAN và Nhật Bản tăng cường hơn nữa phối hợp
chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với
ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường
chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng sông
Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động
lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát
triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đáng chú ý, Thủ
tướng đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ “từ trái tim đến trái tim” giữa ASEAN - Nhật
Bản trở thành quan hệ “từ hành động đến hành động”, và “từ cảm xúc đến hiệu quả”
với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ
Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Cùng với đó, Thủ
tướng cũng nhấn mạnh cần tăng cường 4 kết nối gồm: kết nối về kinh tế, thương mại,
đầu tư; kết nối về cơ sở hạ tầng; kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và
nông nghiệp thông minh; kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững,
không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng
đơn thuần…
Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu các nước ASEAN và Nhật Bản cần phối hợp chặt chẽ
hơn để xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
rộng mở, bao trùm và cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là
bảo đảm sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp
quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tham dự hội nghị
thượng đỉnh đầu tiên về Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), Thủ tướng
Phạm Minh Chính đã có thông điệp mạnh mẽ với chủ đề “Chung ý chí, quyết tâm cao
và hành động quyết liệt hướng tới một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.
Thông tin tới Hội
nghị về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết của mình hướng tới giảm
phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất
các nước tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng
sạch và công nghệ mới; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu
mới, hợp tác công-tư và hợp tác trong khu vực tư nhân; tăng cường hợp tác về
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn
thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng
quốc gia.... Những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được hội nghị
đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Nhân dịp này,
Thủ tướng Chính phủ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các nước tham dự Hội
nghị như: Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia, Quốc vương Brunei, Thủ tướng
Singapore, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Philippines… Tại
các cuộc gặp, Thủ tướng và lãnh đạo các nước đã rà soát kết quả và đề ra phương
hướng, hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời chia sẻ
những vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng ba nước Việt Nam,
Lào, Campuchia, các nhà lãnh đạo đã nhất trí triển khai cơ chế họp 3 Thủ tướng
Chính phủ nhằm hiện thực hóa các kết quả đã đạt được tại Cuộc gặp cấp cao Người
đứng đầu 3 đảng của Việt Nam - Campuchia - Lào.
Chuyến công tác
của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Nhật Bản lần này tiếp tục khẳng định
vai trò, trách nhiệm và đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh
vượng và quan hệ ASEAN - Nhật Bản ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả; vì
hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới. Đồng thời,
thiết thực cụ thể hóa, triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược
toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới giữa Việt Nam
- Nhật Bản, tạo thêm đà cho thời kỳ phát triển quan hệ giữa hai nước trong giai
đoạn tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét