Trải qua hơn
91 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày
càng được củng cố và tăng cường. Đó là một sự thật không thể phủ nhận. Dẫu vậy,
các thế lực phản động, thù địch vẫn không ngừng bôi nhọ, suy diễn những phát biểu, chỉ đạo
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận thành tựu, khoét sâu
vào những tồn tại, hạn chế, tìm cách xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước; đổ lỗi cho trình độ, năng lực của cán bộ các cấp. Đấu tranh với những luận điệu sai trái đó là
nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không chỉ để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, mà
còn là bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Thực chất những luận điệu nêu trên không chỉ
nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín của lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, mà qua đó, âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng là từ chỗ
làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với các lãnh tụ để dẫn đến nghi ngờ, dao
động rồi mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ.
Bằng tri thức lý luận và từ thực tiễn đời sống chính trị, xã hội của đất nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở và luận
cứ khoa học để đấu tranh bác bỏ những luận
điệu sai trái, thù địch.
Thứ nhất, không
phải chỉ ở Việt Nam, mà mỗi đảng chính trị, đảng cầm quyền ở bất kỳ
quốc gia hay thể chế chính trị nào, đều phải bầu ra bộ máy lãnh đạo của mình và phải tiến hành công tác lựa chọn, bầu cử ra
đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu dưới hình thức dân chủ trực tiếp hoặc
gián tiếp. Đó là công việc quan trọng và được tiến hành
theo quy định, quy trình chặt chẽ.
Thứ hai, quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”;
“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, công tác nhân sự của Đảng ta luôn được tiến hành theo đúng quy
định, quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, công tâm, khoa học, dựa trên các nguyên tắc xây dựng
Đảng và sự đồng thuận của nhân dân.
Thứ ba, những cán bộ lãnh đạo Đảng
và Nhà nước nhìn chung đều được đào tạo bài bản, trải nghiệm thực
tiễn, có phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, quản
lý, đặc biệt là được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.
Thứ tư, Đảng ta luôn
coi trọng và thực hiện thường xuyên việc bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện cán
bộ đảng viên. Những cán bộ có biểu hiện đặc quyền, đặc lợi, xa hoa, trụy
lạc đều bị xử lý nghiêm khắc, thích đáng. Đảng ta đặc biệt
quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh “phải nhốt quyền
lực vào lồng cơ chế, pháp luật”. Theo
đó, Cương lĩnh, Điều lệ, kỷ luật Đảng; Hiến pháp, pháp luật
của Nhà nước; sự tín nhiệm của nhân dân là những yếu tố
quyết định đến chất lượng giám sát quyền lực, khắc phục những biểu hiện tha
hóa, lộng quyền, củng cố và phát huy vai trò, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà
nước.
Thứ năm, xét trên phương
diện thực tiễn, phần lớn đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó có
cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn giữ vững tư tưởng chính
trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; cống hiến trí tuệ, tài
năng và nhiệt huyết, đóng góp xứng đáng vào “những thành tựu to lớn và có ý
nghĩa lịch sử” của đất nước. Vì thế, không thể bôi nhọ,
suy diễn những phát biểu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm hạ thấp uy
tín, phủ nhận thành tựu, khoét sâu vào những tồn tại, hạn chế; đổ lỗi cho trình
độ, năng lực của cán bộ các cấp - như những luận điệu sai trái
mà các thế lực thù địch, phản động tung ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét