Sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch
COVID-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng
chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số
người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở
về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển
kinh tế -xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn.
Từ thực tiễn tình hình, Chính phủ xác
định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ
sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm
an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang
“thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Trên tinh thần này, ngày 11/10, Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Nghị quyết 128 được dư luận, người dân
đánh giá và ủng hộ, cho rằng
Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống
dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá
vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt
động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua; khôi phục và phát
triển kinh tế-xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng
thái bình thường mới.
Quá trình thực hiện thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 chuyển từ “không có Covid-19”
sang “chung sống an toàn” đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý sự
thay đổi, năng lực quản trị rủi ro của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn
vị, cộng đồng dân cư; bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích
cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất
là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời.
Để sản xuất an toàn và an toàn để sản
xuất đòi hỏi mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xây dựng quy trình quản trị
rủi ro để vừa tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 128 của Chính phủ mang lại, vừa
kiểm soát các rủi ro để đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Với tỷ lệ 95,91% người dân đủ điều kiện
đã được tiêm nhắc mũi 2 phòng Covid-19 an toàn sẽ là nền tảng cơ bản để sống
chung an toàn với dịch. Tuy nhiên ý thức người dân vẫn là yếu tố quan trọng,
không được chủ quan, tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, sử dụng nghiêm túc QR code,
giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình, khi gia đình có con em là học sinh,
người già trên 65 tuổi, có bệnh nền, giữ cộng đồng an toàn, ổn định để thu hút
du khách.
Xét nghiệm sàng lọc là yếu tố then chốt
để khẳng định địa bàn an toàn. Ở giai đoạn thích ứng an toàn này, tiếp tục thực
hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của bộ, ngành song phải nâng cao
tính chủ động cho người dân, kỹ năng tự xét nghiệm Covid-19 của người dân. Các
cơ sở sản xuất, kinh doanh theo khuyến cáo của ngành Y tế tự chủ xét nghiệm tầm
soát. Đây là chìa khóa để quản trị rủi ro trong doanh nghiệp.
Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, lực lượng giữ vai trò nòng cốt, gồm: Y tế
vẫn là trụ cột; lực lượng vũ trang là nòng cốt tuyến đầu, trong đó Công an là
lực lượng tiên phong xung kích; hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức ở
cơ sở, tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng là tuyến đầu. Đồng thời, huy động tối
đa sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi
xã, phường, thị trấn là “pháo đài”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét