Không thể phủ nhận, các phương tiện truyền thông xã hội là
một thành tựu vĩ đại của nhân loại, mang đến nguồn tài nguyên thông tin - tri
thức vô hạn, những tiện ích trong kết nối - giao tiếp xã hội chưa bao giờ có
trước đây. Nếu được sử dụng vào những mục đích tích cực, thì chúng sẽ tạo nên
những giá trị vô cùng to lớn. Tuy nhiên, với sự tham gia đa dạng của người
dùng, trong môi trường khó kiểm soát, các phương tiện này cũng là “con dao hai
lưỡi”, khi những tác động nghịch rất dễ xảy ra, tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực
tới đời sống chính trị - xã hội, thậm chí khôn lường, nhất là với một
quốc gia có số lượng người dùng in-tơ-nét gắn với các phương tiện
truyền thông xã hội cao hàng đầu thế giới như Việt Nam (tính đến ngày
30-6-2017, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng in-tơ-nét, đứng thứ 12 trên thế
giới).
Chiếm lĩnh môi trường không gian mạng, thông qua các phương
tiện truyền thông xã hội để ngụy tuyên truyền nhằm chống phá, tạo bất đồng,
xung đột về tư tưởng trong nội bộ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong
xã hội và nhân dân, từ đó kích động biểu tình, chống đối, bạo loạn,
khủng bố, lật đổ... là âm mưu, thủ đoạn mới đầy nham hiểm của các thế lực thù
địch. Trong kỷ nguyên số, môi trường mạng đang ngày càng trở thành
mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ.
Trong “ván bài chính trị” chống phá ta, các thế lực
thù địch sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như một “con át
chủ bài” và thông qua đó, chúng xảo quyệt tập trung ngụy tuyên
truyền về tham nhũng, vốn là vấn đề xã hội hết sức nhức nhối;
vấn đề nhạy cảm gắn liền với sự tha hóa về quyền lực chính trị,
từ đó dễ dàng bôi đen, thổi phồng các khuyết điểm, xuyên tạc về Đảng,
Nhà nước ta, âm mưu chuyển hóa từ tuyên truyền về chống tham nhũng sang kích
động chống phá về chính trị. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để tung
hỏa mù, bủa vây không gian mạng hòng gây nhiễu thông tin bằng những
màn lừa bịp tráo trở, biến hóa khó lường, song tập trung nhất vẫn là
xuyên tạc, khoét sâu một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, trên không
gian mạng, các thế lực thù địch xảo biện và quy chụp tham nhũng chỉ tồn tại và
“nở rộ” ở chế độ một đảng cầm quyền như tại Việt Nam. Chúng cho rằng, đây là
vấn đề thuộc về “bản chất thể chế”, không thể thay đổi được hoặc dù
tham nhũng có ở các thể chế chính trị khác, nhưng nghiêm trọng hơn ở chế độ
một đảng. Rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiệu quả
thấp do thiếu vắng sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực như cơ chế
“tam quyền phân lập”.
Hai là,
các thế lực thù địch xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng,
cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là cuộc thanh trừng, đấu
đá nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành lợi ích, là chính “ta đánh ta”. Chúng
vu cáo Đảng ta chống tham nhũng vượt trên pháp luật; kích động sự trừng phạt,
trừng trị, chúng cố tình lấp liếm đi tính nhân văn trong công tác kiểm tra,
giám sát, kỷ luật đảng.
Ba là, các thế
lực thù địch tung thông tin trên không gian mạng hòng lung lạc niềm tin của cán
bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng
ta, với những rêu rao rằng, chống tham nhũng ở nước ta như “con thuyền không
bến”, là “cuộc chiến nửa vời”, vẫn còn “nhiều vùng cấm”; và rằng, càng kỷ luật,
xử lý nhiều cán bộ tham nhũng thì càng làm nhụt đi ý chí của đội ngũ cán bộ,
đảng viên, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” đang được Đảng ta đẩy
mạnh, vì lương tâm và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, vì lợi ích của nhân
dân, vì sự trong sạch và thanh danh của Đảng, đang thực sự truyền cảm hứng mạnh
mẽ và làm nức lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân. Khi những tiêu cực bị đẩy lùi,
chính nghĩa và sự thanh liêm được bảo vệ, sẽ thực sự dấy lên niềm tin và khí
thế mới trong cả hệ thống chính trị, chuyển biến thành những kết quả tích cực
trong công tác xây dựng Đảng và những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đất
nước. Chính vậy, việc nhận dạng sự chống phá của kẻ thù là cơ sở cho việc đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét