Cách
đây vài tháng, Công an tỉnh Đắc Lắc vừa xử lý vụ xô xát giữa một số người dân
và lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động. Vụ việc ban đầu rất đơn giản,
trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp vi phạm
giao thông nhưng đối tượng này không chấp hành hiệu lệnh mà chạy vào nhà dân
kích động nhiều thanh niên trên địa bàn ra gây xô xát, dẫn đến thanh niên kia bị
thương. Tuy vậy, trên mạng xã hội, kẻ xấu đã kịp kích động lên thành sự việc
công an đánh người bị thương, từ đó kêu gọi người dân tiếp tục phản kháng, thậm
chí phải bắt người để đòi điều kiện. Họ cố tình lu loa biến sự việc nhỏ thành
mâu thuẫn giữa lực lượng công an với nhân dân, biến những sự việc dân sự-hành
chính thành hình sự, gắn với những vấn đề chính trị nhạy cảm.
Ở
các lĩnh vực khác, gần đây xảy ra liên tiếp các trường hợp nạn nhân bị người
dân địa phương bao vây đánh hay đập nát ô tô rồi châm lửa đốt, chỉ vì nghi ngờ
những nạn nhân này đến địa phương để bắt cóc trẻ em. Thậm chí những đối tượng
trộm chó cũng bị người dân một vài địa phương bức xúc đánh đập, có trường hợp bị
chết. Đó là những sự việc tưởng như không liên quan gì đến chính trị nhưng đã
được nhiều trang mạng xã hội chia sẻ kèm theo những kích động người dân thực hiện
trào lưu “tự xử”. Họ lu loa rằng, lực lượng chức năng, cơ quan công quyền giờ
đây không quan tâm, không bảo vệ dân, người dân cần “tự xử” để đòi lấy sự công
bằng. Họ cố tình hạ thấp uy tín, vai trò các cơ quan pháp luật và cổ xúy, thổi
phồng vai trò của “xã hội dân sự” như liều thuốc vạn năng để giải quyết mọi bức
xúc trong đời sống xã hội.Thậm chí, họ còn kêu gọi phải có nhiều hơn nữa những
“mô hình” người dân tạm giữ cán bộ, công chức
để đòi giải quyết các vấn đề bức xúc như việc cắt điện ở Thái Bình, khiếu kiện ở
Hà Tĩnh, đòi đất rừng ở Bắc Giang… Những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng,
chống người thi hành công vụ này được tung hô bằng những mỹ từ đao to búa lớn
như: “Vượt qua nỗi sợ hãi”, “giai cấp nông dân đã trưởng thành”, “cuộc tập dượt
cho cách mạng màu”, “sức mạnh của xã hội dân sự”.
Không để sự bức xúc và thiếu hiểu biết bị lợi
dụng
Tòa
soạn Báo Quân đội nhân dân từng nhận được đơn, thư của một số công dân phản ảnh,
kiến nghị những vụ việc bức xúc, kéo dài mà không được giải quyết liên quan đến
chế độ người có công, sở hữu đất đai, tố cáo cán bộ địa phương vi phạm… Song ở
một vài vụ việc, người đứng đơn còn liên tiếp tung lên mạng xã hội những bài viết
bức xúc, thậm chí có phần quy kết chính quyền một cách thiếu căn cứ. Thế nhưng
sau đó, các trang mạng xã hội và trang web ở nước ngoài liên tiếp đăng tải,
chia sẻ các đơn, thư, bài viết của người dân. Có người đứng đơn còn cho biết, họ
được cả những đài báo nước ngoài và cả những người xưng là luật sư, nhà dân chủ
gọi tới cho biết sẽ sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn, đăng tải… Họ ca ngợi những người
đứng đơn là dũng cảm, thậm chí còn gửi thư, ngoài bì thư phong cho một nữ công
dân là “anh hùng” dù cô mới chỉ có một bài viết bày tỏ nỗi bức xúc của mình
trên trang cá nhân. Họ còn “vẽ đường cho hươu chạy”, kích động người dân làm
băng rôn, khẩu hiệu, tụ tập đông người kéo đến các cơ quan pháp luật gây sức ép
thì mới thành công. Lợi dụng sự bức xúc của người dân về những vấn đề dân sinh
thiết thân của họ, kẻ xấu đã kích động họ dần ngả sang các mưu đồ chính trị đen
tối, hỗ trợ cho các hoạt động chống phá chính quyền.
Dư
luận xã hội từng biết đến “nhà dân chủ” Phạm Đoan Trang, một đối tượng chống đối
chính quyền, vi phạm pháp luật nhưng luôn kích động, lôi kéo người khác tham
gia vào con đường sai trái, vào “phong trào dân chủ”. Đối tượng này từng viết:
“Các bạn biết không, một trong các lý do thúc đẩy một số blogger, trong đó có
tôi, viết nhiều điều chỉ trích Đảng và Nhà nước cộng sản ở Việt Nam, là bởi vì
chúng tôi mong muốn thấy độc giả bước ra khỏi nỗi sợ hãi. Chắc chắn là rất, rất
nhiều, đại đa số dân Việt Nam, hiện vẫn nghĩ rằng “viết lách trên mạng,
comment, like, share linh tinh trên mạng rồi có ngày đi tù”. Phạm Đoan Trang lớn
tiếng kích động rằng: “Nhưng các bạn thấy đấy, đã có nhiều blogger lên tiếng phản
biện, chỉ trích Nhà nước về các chính sách công, thậm chí chửi thẳng vào chế độ,
mà có… đi tù đâu? Nói một cách ngắn gọn là: Cái thời chỉ viết không thôi cũng đủ
đi tù đã qua rồi. Đi tù không dễ đâu!”.
Đó
là những luận điệu và chiêu trò hết sức nguy hiểm. Nó dễ khiến cho những người thiếu hiểu biết pháp luật và dễ ngộ nhận,
thích làm “anh hùng bàn phím” sẽ đơn giản hóa, không phân biệt được tự do ngôn
luận với hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích của tổ chức và
cá nhân theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, thậm chí vi phạm các tội xâm phạm an
ninh quốc gia theo các Điều 78, 79, 87, 88 Bộ luật Hình sự… mà người vi phạm
đơn giản, không hay biết. Luận điệu “đi tù không dễ” là hoàn toàn ngụy biện vì
trên thực tế ở Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do phản
biện xã hội trên mạng xã hội hay báo chí, truyền thông. Nhưng cũng có rất nhiều
trường hợp lợi dụng quyền tự do, dân chủ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đã bị
xử lý hình sự. Đã có không ít đối tượng phải ngồi tù vì những hành vi này gắn với
việc thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.
Đẩy lùi âm mưu nguy hiểm
Trong
nhiều vụ gần đây, nhiều người dân bị kích động quá khích bao vây trụ sở, công sở
hay bắt giữ người trái phép là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị điều
tra, truy tố, xét xử đã được Bộ luật Hình sự quy định rõ. Pháp luật cho phép
người dân được quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; việc kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo phải được thực hiện bằng đơn, bằng văn bản và phải tập hợp các chứng cứ để
chứng minh cho yêu cầu của mình. Đây là một cách tốt nhất để người dân bị xâm hại
thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp công nhận, tôn trọng
và bảo đảm. Người dân không nên nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, làm ảnh hưởng
đến hoạt động bình thường của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến tình hình an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nếu không cảnh giác, người dân còn có
thể vô hình trung vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn khi tiếp tay cho các thế lực
phản động. Người dân cũng cần phân biệt việc kiến nghị giải quyết các vướng mắc,
bức xúc về quyền lợi không liên quan đến các phong trào kêu gọi “dân chủ, nhân
quyền”, chống phá Đảng, Nhà nước mà các đối tượng xấu kêu gọi, kích động để
không mắc mưu tham gia.
Cùng
với việc nêu cao tinh thần cảnh giác thì mỗi người cũng cần phải nâng cao hiểu
biết pháp luật, xây dựng nếp sống thượng tôn pháp luật, tôn trọng các cơ quan
công quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật; đấu tranh với những hành vi sai trái, bảo
vệ quyền lợi của mình nhưng phải đúng pháp luật. Không thể vì sự bức xúc mà thiếu
bản lĩnh, chủ quan, để kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc, tiếp tay cho những hoạt động
chống phá Đảng, Nhà nước.
Về
phía các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật, cần làm tốt hơn nữa việc tuyên
truyền vận động nhân dân cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo
người dân vi phạm pháp luật. Nhưng trước hết, các cơ quan đó cần phải nêu cao
trách nhiệm, làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình, giải quyết có trách nhiệm
và thỏa đáng những vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; không
để tồn tại nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét