Với tựa đề: “Xử
hay không xử hay câu chuyện của ông Tổng” đăng trên Việt Nam thời báo, Mẫn Nhi
đã xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân
dân ta khi đưa ra luận điệu hết sức phản động: “một thể chế phân quyền là nhu cầu
bức thiết từ phía người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng”.
Thứ nhất, bất kỳ
một thể chế phân quyền nào cũng không ngăn ngừa được tham nhũng. Vì tham nhũng
là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà
nước. Sự quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo sẽ tạo ra sơ hở cho các hành vi tiêu
cực nảy sinh, trong đó có tham nhũng. Tham nhũng là vấn đề toàn cầu, là tệ nạn
xảy ra với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, thể
chế quyền lực, hình thức nhà nước, trình độ phát triển. Nơi nào hệ thống pháp
luật còn lỏng lẻo, các quy trình ra quyết định và hoạch định chính sách còn thiếu
minh bạch, thủ tục hành chính còn rườm rà, lương công chức còn thấp… thì ở đó
tình trạng tham nhũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Theo bảng
dữ liệu về tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố xếp hạng nạn
tham nhũng của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có đại đa
số các quốc gia theo “thể chế phân quyền” với các biến thể khác nhau. Đa số các
nước Bắc Âu xếp vào tốp các nước tham nhũng ít. Các quốc gia tiêu biểu về “thể
chế phân quyền” vẫn có thứ hạng tham nhũng cao như Ôxtrâylia xếp thứ 13, Mỹ xếp
thứ 18, Nhật Bản xếp thứ 20, Pháp xếp thứ 23… Chính tham nhũng đã gây ra những
thiệt hại hết sức nặng nề cho nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
cuộc sống nhân dân và đặc biệt là làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đến
bộ máy chính quyền.
Thứ hai, Đảng,
Nhà nước Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bộ máy nhà nước
ta được tổ chức theo hướng: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền
tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí
thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có
sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền
lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng,
thể chế đó cho phép huy động cao nhất ý chí, quyền lực thống nhất thuộc về nhân
dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và các bộ phận trong hệ thống chính trị,
quyền làm chủ của nhân dân.
Tham nhũng được
xác định là một trong những nguy cơ, thách thức đe dọa đến vị thế, vai trò lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nên
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có thái độ kiên quyết đấu tranh phòng, chống
tham nhũng cũng như các tệ nạn và tiêu cực xã hội khác. Gần đây, nhất là từ sau
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã nêu cao trách nhiệm, tích cực,
khẩn trương, quan tâm vào cuộc quyết liệt trong triển khai phòng, chống tham
nhũng. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ; tiến độ thanh tra, xác minh các
vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng,
phức tạp được đẩy nhanh, góp phần tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công
tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Từ năm 2014 đến
hết 2016, chúng ta đã kết luận điều tra, truy tố 26 vụ/330 bị can; truy tố, xét
xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo; xét xử phúc thẩm 14 vụ/137 bị cáo với mức án
nghiêm khắc (7 án tử hình, 14 án chung thân, 6 bị cáo bị tù 30 năm…). Chỉ tính
riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã đẩy nhanh tiến độ xử lý 4/6 vụ án tham nhũng kinh
tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đảng, Nhà nước ta đã kiên
quyết xử lý những cán bộ, đảng viên (kể cả cán bộ cao cấp) có hành vi tham
nhũng. Những mức án nghiêm khắc được áp dụng đối với loại tội phạm tham nhũng
có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình.
Những nỗ lực và
quyết tâm trong phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và
đánh giá tích cực hơn. Bằng chứng là ngày 25/1/2017 Tổ chức Minh bạch Quốc tế
đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2016, trong đó Việt Nam tăng
2 điểm sau 4 năm liên tiếp bị giữ nguyên ở mức 31/100 điểm. Tuy nhiên, đó mới
chỉ là thành quả bước đầu bởi vì đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta là cuộc đấu
tranh hết sức phức tạp, khó khăn, lâu dài.
Như vậy, luận điệu:
“một thể chế phân quyền là nhu cầu bức thiết từ phía người dân trong cuộc chiến
chống tham nhũng” của Mẫn Nhi không phải vì mục tiêu phòng, chống tham nhũng.
Trái lại, thực chất của luận điệu này là nhân danh chống tham nhũng, lợi dụng đấu
tranh chống tham nhũng để kích động đòi thay đổi thể chế chính trị ở nước ta,
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước, chế độ xã
hội chủ nghĩa, đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Âm mưu, thủ đoạn
đen tối đó của Mẫn Nhi chắc chắn không thể đánh lạc hướng được dư luận, tinh thần
cảnh giác và sự tỉnh táo về chính trị của nhân dân ta./.
Tác giả: Phương
Minh
Nguồn:
www.nhanvanviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét