Đánh
bạc, rượu chè, mại dâm, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội... là những “vùng tối”
về lối sống mà mỗi con người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng phải tránh
xa để giữ gìn nhân cách theo những chuẩn mực đạo đức xã hội. Hơn thế, với mỗi
cán bộ, đảng viên, đó còn là những biểu hiện suy thoái, là những “kẻ địch” cần
đấu tranh, đẩy lùi để xây dựng đạo đức cách mạng, xứng đáng với vai trò tiền
phong gương mẫu...Những vi phạm, suy thoái về đạo đức, lối sống
Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng trong phần nhận diện những biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa" có nêu biểu hiện: “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ
hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi
phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo
đức gia đình và xã hội”.
Thực
tiễn thời gian qua đã có không ít vụ việc cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm
các vấn đề trên. Trong đó, hiện tượng cán bộ, công chức đánh bạc xảy ra ở nhiều
nơi, có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, như: Vụ 3 cán bộ xã Quơn Long (huyện
Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trực đêm tại cơ quan nhưng lại gợi ý để người dân đem
bài vào trụ sở đánh ăn tiền. Dư luận thêm bức xúc khi sau đó, 9 cán bộ đánh bạc
thì chỉ có 3 người bị xử lý kỷ luật. Một vụ việc tương tự xảy ra ở thị xã Hương
Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một người dân đã quay clip cán bộ đánh bài ăn tiền
ngay trong phòng trực vào buổi tối. Công an huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cũng bắt
quả tang vụ đánh bạc tại Công ty Cổ phần đường sắt Hà-Lạng. Trong vụ này, 8 đối
tượng đánh bạc thì có 3 đảng viên, 1 bí thư chi bộ, trưởng ga. Công an Hà Tĩnh
năm ngoái cũng bắt quả tang 4 người đang sát phạt nhau trên chiếu bạc thì cả 4
đều là cán bộ, công chức thuộc Cảng Hải Phòng đi tham quan du lịch. Gần đây nhất,
6 cán bộ xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bị bắt giữ và khởi tố về
tội đánh bạc ngay tại trụ sở, trong đó có bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND xã.
Tại
Nghệ An, theo thống kê, chỉ trong hai năm 2014-2015, các ngành chức năng đã
phát hiện, xử lý 2.058 vụ, 7.526 đối tượng đánh bạc (trong đó có 141 trường hợp
cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia đánh bạc).
Cùng
với đánh bạc, tình trạng cán bộ, công chức tham gia cá độ bóng đá, thể thao gần
đây có xu hướng gia tăng. Theo thông tin từ báo chí, đầu năm 2017, cơ quan chức
năng đã phá đường dây cá độ 500 tỷ đồng ở tỉnh Bình Định, trong đó phát hiện có
nhiều cán bộ, công chức tham gia. Tại Hà Nội, năm 2016, đã phát hiện 58 vụ cá độ
bóng đá, bắt giữ 279 đối tượng, trong đó có không ít cán bộ, công chức.
Nhậu
nhẹt lãng phí, uống rượu bia say trong giờ làm việc cũng là biểu hiện suy thoái
về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức bị dư luận lên án thời
gian qua. Cuối năm 2016, đoàn công tác của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh khi kiểm
tra thực thi công vụ tại Trung tâm hành chính công TP Hạ Long đã chứng kiến cảnh
một cán bộ gác chân lên bàn, có lời nói thiếu văn hóa, phản cảm do uống rượu
say vào buổi trưa. Ngay trong ngày, để chấn chỉnh tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy
Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo đình chỉ công tác đối với vị cán bộ nọ. Gần
đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt hàng Viện Xã hội học thực hiện
cuộc tham vấn cộng đồng về lạm dụng bia rượu ở Việt Nam, cho thấy: Một trong những
nhóm đối tượng uống rượu bia nhiều nhất là cán bộ, công chức (hơn 38%), đặc biệt
là cán bộ, công chức ở Hà Nội với hơn 48%.
Trước
đó, tháng 9-2016, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ
luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó có việc
nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, tình trạng
này vẫn chưa thật sự chuyển biến đáng kể.
Cùng
với nạn uống rượu bia say thì tình trạng mê tín dị đoan, mại dâm cũng còn một bộ
phận cán bộ, công chức vi phạm. Theo một thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã
hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) năm 2016, đối tượng mua dâm thuộc nhiều
lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó đối tượng không nghề nghiệp ổn định,
làm ăn tự do thuộc nhóm mua dâm nhiều nhất (chiếm 75,7%); cán bộ, công nhân
viên chức thuộc nhóm mua dâm ít nhất, nhưng cũng chiếm tỷ lệ tới 3%.
Về
biểu hiện mê tín dị đoan, vẫn còn không ít cán bộ, công chức mê muội, tiến hành
những công việc có biểu hiện mê tín dị đoan như cầu cúng, dâng sao giải hạn,
xem bói... Một số người còn thường xuyên đi đền thờ, miếu mạo nơi thờ các danh
nhân để cầu thăng quan tiến chức...
Những
vụ việc, hiện tượng như trên không đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật mà
còn ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức.
Nó cũng tạo ra hình ảnh mâu thuẫn, phản cảm khi đời sống của người dân đa số
còn nghèo thì một bộ phận cán bộ, công chức lại cờ bạc, rượu chè, xa hoa lãng
phí. Nó đi ngược với những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức,
đảng viên.
Đẩy
lùi bằng sự nghiêm minh
Để
đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái trên, Đảng, Nhà nước ta cần có những
biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm.
Nên chăng cần có những chế tài, quy định nghiêm khắc hơn nữa. Nhiều cán bộ, đảng
viên từng kiến nghị nên tham khảo kinh nghiệm từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ
ngày 1-1-2016, các đảng viên "tổ chức" hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị
khai trừ khỏi Đảng, còn những người mê tín đơn thuần sẽ bị kỷ luật cảnh cáo.
Cùng
với đó, đã đến lúc phải siết chặt quản lý và xử lý những người vi phạm theo
đúng quy định của pháp luật và kỷ luật Đảng, không để xảy ra những biểu hiện
nương nhẹ như 9 người đánh bạc nhưng chỉ xử lý kỷ luật 3 người ở xã Quơn Long
(Chợ Gạo, Tiền Giang). Xin được nhắc lại quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 30,
Quy định số 181/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã nêu rõ: Khai trừ khỏi Đảng đối
với đảng viên có hành vi “đánh bạc, tổ chức đánh bạc" dưới mọi hình thức.
Thế nhưng trên thực tế, chưa nhiều tổ chức đảng thực hiện kiên quyết quy định
này.
Gần
đây, Nghệ An là địa phương có hiện tượng cán bộ, công chức đánh bạc gia tăng đã
có nhiều biện pháp xử lý kiên quyết. Ngày 4-1-2016, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành
công điện yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy
trực thuộc tăng cường phòng, chống tệ nạn đánh bạc; thiết lập đường dây nóng, hộp
thư góp ý, tố giác hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tệ nạn
đánh bạc theo quy định của pháp luật. Trong đó có nêu rõ thống nhất khai trừ khỏi
Đảng đối với hành vi “đánh bạc, tổ chức đánh bạc” dưới mọi hình thức.
Với
những hiện tượng suy thoái khác như cán bộ, công chức, đảng viên uống rượu bia
say, mê tín dị đoan, mại dâm... cũng rất cần có những biện pháp quản lý, xử lý
kiên quyết, nghiêm minh. Cùng với giáo dục, thuyết phục, đề cao tính tiền phong
gương mẫu, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên thì công tác kiểm tra, giám sát,
thi hành kỷ luật của Đảng phải tích cực, chủ động, kịp thời. Cần thực hiện tốt
giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra: Hằng năm hoặc khi chuẩn
bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng
để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là: Chương trình hành động của
tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam
kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự
nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy
thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét