Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Yêu thương quý trọng con người, sống có tình nghĩa, có lòng khoan dung độ lượng, vị tha cao cả.


Lòng yêu thương quý trọng con người không phải chỉ là lý tưởng cao đẹp, một chuẩn mực trong tu dưỡng, rèn luyện của các tầng lớp nhân dân ta từ xưa đến nay, mà nó được đúc rút từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, khó khăn và thử thách của Hồ Chí Minh. Ngay từ hồi còn nhỏ ở quê nhà rồi theo cha vào Nam ra Bắc, trên hành trình ấy Người trực tiếp chứng kiến bao cảnh đau lòng của người dân: cảnh bị áp bức, bóc lột, lầm than cơ cực của những người dân lao động mất nước, sưu cao thuế nặng chất đầy trên vai họ… Vì yêu thương nhân dân đã giúp cho Người có đủ can đảm hoà mình vào cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở Huế (năm 1908), rồi 3 năm sau đó, Người quyết chí tạm xa tổ quốc, đi ra nước ngoài để tìm đường cứu dân, cứu nước với hai bàn tay trắng và nghị lực phi thường "để xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình". Bác đã dành trọn tình cảm của mình cho đồng bào: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích làm cho ích quốc lợi dân…".

Lòng yêu thương, quý trọng con người ở Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là chữ "hiếu" một chiều của con cái đối với cha mẹ mình mà mang nội dung mới, sâu sắc, toàn diện. Trước hết, đó là tình thương yêu dành cho nhân dân lao động, cho những người cùng khổ bị đoạ đày áp bức, từ tình yêu thương đồng bào mình, dân tộc mình, Người mở rộng lòng yêu thương đó ra phạm vi thế giới. Nhưng đó không phải là lòng thương người phi giai cấp, Người đứng trên lập trường giai cấp vô sản để phân biệt rạch ròi giữa một bên là đế quốc thực dân và bên kia là nhân dân lao động bị bóc lột áp bức nặng nề: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái thật thà mà thôi: Tình hữu ái vô sản."

Không phải là sự ban phát, thương hại của "bề trên" nhìn xuống, cũng không phải là lòng trắc ẩn của người đứng ngoài trông vào, mà lòng thương người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự đồng cảm của người cùng cảnh ngộ. Những khổ đau của đồng bào chính là nỗi đau khổ mà bản thân Người, gia đình Người đã phải trải qua. Tình thương của Người trước hết dành cho những mất mát quá lớn mà gia đình đã trải qua, những người dân xứ Nghệ phải chịu bao nỗi khổ của nghèo đói, bất công do chế độ thực dân phong kiến đem lại. Người đau xót trước cảnh khổ sở của những người nông dân chống thuế (mà Người cũng tham gia) ở Thừa Thiên bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Là người dân của một nước nô lệ, nhận thức sâu sắc sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, trái tim Người đã đập cùng nhịp với đồng bào mình, cùng khát vọng cháy bỏng dân tộc được giải phóng. Đến khi ra nước ngoài, trong hành trình tìm đường cứu nước, tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ của những người lao động ở khắp nơi trên thế giới, đó là cảnh những người công nhân ở các nước tư bản trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng sống trong nghèo đói, thiếu thốn, bệnh tật; đó là cảnh những người dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi bị đoạ đày dưới chế độ thực dân tàn bạo, đã bao lần Người rơi lệ khi chứng kiến trẻ em đói rét, những người da đen bị chết một cách oan ức; đã bao lần Người đau xót trước cảnh sống lam lũ của những người lao động trong xóm nghèo khu Hác-Lem (Mỹ), Epinet (Pari - Pháp)…lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh đã vượt ra ngoài giới hạn chủng tộc, màu da, lãnh thổ:

          "Lọ là thân thích ruột rà; Công nông thế giới đều là anh em."

Tình yêu thương con người của Bác đã được nhà thơ Tố Hữu ca ngợi:
          "Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta;         Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa... Tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già".

Xuất phát từ lòng thương người cho nên trong suốt cuộc đời, Người đặc biệt coi trọng vấn đề con người, luôn quý trọng con người, kính trọng và tin tưởng ở nhân dân: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Từ lòng nhân ái Hồ Chí Minh đã định nghĩa về nhân dân độc đáo: "Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh "thương người" nhiều lúc gắn liền với "vì nghĩa”- đây là nét tiêu biểu của bản sắc văn hoá dân tộc. Giáo dục truyền thống dân tộc cho thanh niên, nhân dân, cán bộ, đảng viên…Người thường nhấn mạnh: Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Và tình nghĩa ấy đã được Người cùng với Đảng nâng lên "cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà".  Chính vì vậy, khi tuyên truyền và giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin - đỉnh cao văn hoá và trí tuệ nhân loại, Người đã nhấn mạnh "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin được". Chữ "nghĩa" trong phong tục đạo đức văn hoá Việt Nam, với ý nghĩa là điều phải, lẽ phải, ngay thẳng, sống có nghĩa có tình, thuỷ chung son sắt…đã trở thành nguồn sức mạnh, là tiêu chí để người phân định điều lợi - điều hại, thiện - ác, bạn - thù… Người thường giáo dục cán bộ thấy việc phải làm thì làm, thấy việc phải nói thì nói. Cũng như Nguyễn Trãi "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu".

Lòng nhân ái Hồ Chí Minh còn bao hàm sự khoan dung độ lượng, vị tha cao cả. Đây nguyên là những khái niệm đạo đức xuất phát từ lòng nhân ái, nó đòi hỏi sự đối xử nhân từ, độ lượng với người khác, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm mà vẫn tôn trọng nhân cách của họ. Khoan dung, độ lượng, vị tha là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được Hồ Chí Minh tiếp nhận và nâng lên ở tầm cao mới.

Trong tác phẩm "Đường cách mệnh" (1927), Hồ Chí Minh viết "Với từng người thì khoan thứ”. GS.Trần Văn Giàu dẫn lời một học giả nước ngoài trong Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh năm 1990: "Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri, xây dựng nó khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất. Cụ thức tỉnh kẻ mê, ân cần để dạy người trượt ngã, biến vạn ức người dân bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém".

Lòng khoan dung độ lượng của Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống "người trong một nước phải thương nhau cùng", tất cả đều là dân nước Việt, con lạc cháu Hồng, mỗi người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng, ta phải biết làm sao cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân; dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái… tất cả kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo Mácxít tạo thành văn hoá khoan dung, độ lượng cao cả, sâu sắc ở Hồ Chí Minh: luôn có thái độ tôn trọng, cách nhìn rộng lượng với những giá trị khác biệt với mình; chống lại mọi thái độ kỳ thị, giáo điều, áp đặt quan điểm, ý kiến của mình lên người khác; không phải là sự hạ cố kiểu bề trên, cũng không phải sự nhượng bộ thoả hiệp của kẻ yếu, thoả hiệp với tội ác và bất công xã hội...

Xuất phát từ lòng khoan dung độ lượng, lòng thương yêu con người mênh mông, sâu xa, không biên giới, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá của con người, tin rằng họ đều có thể vươn tới cái tốt đẹp, cái lương thiện…Hồ Chí Minh đã nêu gương sáng cho tất cả mọi người về đức vị tha: nhìn con người, bao giờ Hồ Chí Minh cũng nhìn vào mặt ưu điểm, Người quan niệm thợ mộc khéo tay thì sử dụng được tất cả các bộ phận của cây gỗ, phần nào việc ấy. Nếu trên thế giới, ở những nước tồn tại chế độ quân chủ, khi cách mạng thắng lợi thì vua bị xử tử hoặc ít ra cũng bị cầm tù, còn ở ta với Hồ Chí Minh thì sau khi cách mạng tháng Tám thành công, vua nhà Nguyễn - Bảo Đại không những không bị tù, không bị giết mà còn được mời làm cố vấn tối cao cho chính phủ cách mạng, cả hoàng tộc cũng được an toàn, lăng tẩm triều Nguyễn và các nơi thờ tự trong hoàng cung còn được cách mạng gìn giữ, trông nom…Gửi thư cho các ngụy binh, Hồ Chí Minh viết: "Các người cũng là máu đỏ da vàng…Tuy các người đã phạm tội nặng là cầm súng chống lại Tổ quốc, song Chính phủ kháng chiến độ lượng khoan hồng, thương hại các người như những đứa con lầm đường, cho nên nặng về giáo dục, nhẹ tay xử phạt, để dìu dắt các người bỏ đường tà, theo đường chính…". Người kêu gọi: "Tôi tha thiết kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc, các người sẽ được đối đãi tử tế".

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng"

Lòng nhân ái bao la, lòng khoan dung độ lượng, vị tha cao cả, trọng tình nghĩa, lòng tin mãnh liệt ở bản tính con người là nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh mà không phải lãnh tụ nào cũng hội đủ. Chính điều đó đã cổ vũ, nâng đỡ con người bỏ thói hư tật xấu, sửa chữa lỗi lầm, hướng thiện, phục thiện, tranh thủ mọi lực lượng với mục đích đoàn kết toàn dân, quy tụ bạn bè trong một thế giới hoà bình, nhân ái. Chính vì thế Người được cả nhân loại phong tặng danh hiệu "danh nhân văn hoá thế giới". Ngay cả những người Mỹ cũng phải thốt lên: "Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được" (Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...