“Đền ơn đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ
nguồn” vừa là đạo lý, vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong
thời gian gần đây, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường,
của mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự chống phá quyết liệt của
các thế lực thù địch, trong xã hội đã xuất hiện một số biểu hiện phủ nhận thành
quả cách mạng, xuyên tạc lịch sử và phủ nhận công lao cống hiến của thế hệ cha
anh. Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm mà chúng ta cần phải kiên quyết lên
án, đấu tranh bác bỏ.
1. Sự phủ nhận thành quả cách mạng,
xuyên tạc lịch sử và phủ nhận công lao cống hiến của thế hệ cha anh cần phải
lên án và bác bỏ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện 9 biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có biểu hiện: “...Hạ thấp, phủ nhận những
thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch
sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bóp méo lịch
sử, hạ thấp uy tín của Đảng ...”. Thực tế, thời gian qua một bộ phận cán bộ, đảng
viên do thiếu vững vàng về bản lĩnh chính trị; mơ hồ, ảo tưởng trước âm mưu, thủ
đoạn chống phá của các thế lực thù địch; với cái nhìn thiển cận đã có những lời
nói và việc làm phụ họa cho những giọng điệu phản động, phủ nhận thành quả cách
mạng; thổi phồng khuyết điểm, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên
tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo, nói xấu xúc phạm các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, quân đội một cách trắng trợn. Tất cả những giọng điệu đó đều bị
thực tiễn lịch sử bác bỏ và dư luận lên án, nguyền rủa. Bởi đó là những hành vi
thấp hèn của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa quay lưng với lịch sử, truyền thống ông
cha, xúc phạm đến anh linh của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy
sinh thân mình vì sự trường tồn của đất nước cần phải lên án và bác bỏ.
2. Trân trọng quá khứ, nâng niu
giữ gìn và phát huy truyền thống là vinh dự, trách nhiệm của mỗi chúng ta. Đây
là công việc phải tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện
pháp sinh động, phong phú, hiệu quả nhằm làm cho mọi người dân ý thức sâu sắc rằng:
chúng ta không được lãng quên mà phải luôn khắc ghi, tưởng nhớ, tri ân các lãnh
tụ của Ðảng, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã đổ biết bao xương,
máu, chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng để viết nên những trang sử hào
hùng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài và gian khổ giành độc lập, tự do đất cho
nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Đặc biệt là, công tác giáo dục
truyền thống trong điều kiện hiện nay không thể chỉ là những khẩu hiệu phô
trương, hình thức hay bằng những lời nói suông, mà phải bằng những hành động
tri ân thiết thực, hiệu quả. Với đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”,
“ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã có
nhiều hoạt động thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các gia đình
liệt sĩ; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình có công với cách mạng; các đồng
chí thương binh, bệnh binh; các đồng chí, đồng bào đã từng bị địch bắt, bị giam
cầm trong lao tù; các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên các mặt trận,...
Truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”,
“uống nước nhớ nguồn” đã được lớp lớp thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ
và phát huy. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh phản bác những giọng điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch, ngăn chặn mọi biểu hiện vô ơn, bạc nghĩa, hạ thấp,
phủ nhận những thành quả cách mạng và công lao to lớn của các bậc tiền nhân./.
Tác giả: Hạnh Ngân
Nguồn: www.nhanvanviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét