Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Ý đồ của các thế lực phản động


Thời gian gần đây, một số blogger hô hào kêu gọi vận động, chuyển hóa tiến tới thành lập một xã hội mới có tên là “xã hội dân sự”.Vậy cái được gọi là “xã hội dân sự” là gì? Thực tế, trên thế giới cũng như trong nước, khái niệm “xã hội dân sự” chưa được hiểu một cách thống nhất, do vậy cũng chưa thể có trong các từ điển mang tính chính thống. Hiện nay đang tồn tại rất nhiều cách định nghĩa. Chẳng hạn:

“Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một Nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của Nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) (1).

Xã hội dân sự là "Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung” (Liên minh vì sự tham gia của công dân - CIVICUS 2005) (2).

“Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức Nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì ranh giới giữa Nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư” (Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London) (3).

“Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình” (N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina) (4)…

Nếu hiểu theo khái niệm (1) thì “xã hội dân sự” là sự liên minh tự nguyện của các tổ chức xã hội “tự vận hành” bên cạnh Nhà nước; thì trên thế giới này chưa thấy có một “xã hội dân sự” nào như thế. Bởi bất kỳ tổ chức xã hội nào trong thể chế chính trị nào cũng đều dưới hoặc bị sự chi phối công khai hoặc ngấm ngầm của Nhà nước.Nếu hiểu theo khái niệm (2), (3) thì “xã hội dân sự” quá đơn giản. Bởi chế độ chính trị nào (tiến bộ hay phản động) cũng đều có tuyên ngôn vì quyền lợi chung của đất nước mình, nhân dân mình.Riêng hiểu theo khái niệm (4) thì lộ rõ ra cái mục đích chính trị của các tổ chức xã hội.

Tuy nhiên ta có thể tiếp cận trên ba khía cạnh sau: - Xã hội dân sự tồn tại một cách độc lập và có phần đối trọng với Nhà nước, các công dân tự tổ chức thành nhóm và giải quyết các vấn đề phát sinh thông qua đối thoại theo nguyên tắc phi bạo lực. Các tổ chức này kiểm soát, điều tiết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; - Xã hội dân sự là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với Nhà nước, thị trường và gia đình các tổ chức xã hội nhằm đem lại sự đồng thuận tốt lành cho mọi người; - Xã hội dân sự đề cao vai trò liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia đối thoại, thảo luận.

Theo xu thế phát triển tiến bộ của xã hội loài người, xã hội dân sự là một phạm trù mang tính tích cực, tất yếu và chúng ta có thể đảm bảo rằng, trên thực tế những mặt tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đã và đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…. Vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay đó là các tổ chức mang danh xã hội dân sự bao gồm các diễn đàn, hội nhóm, tổ chức xã hội dân sự phải vì sự phát triển chung của đất nước, hỗ trợ, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực của các tổ chức mang danh nghĩa xã hội dân sự, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng danh nghĩa này để tập hợp, lôi kéo người khác tham gia với ý đồ thành lập lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Có thể kể ra đây một số tổ chức núp dưới danh nghĩa đó như: Các hội nhóm “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”…Nhiệt tình tham gia các tổ chức hội nhóm này có thể kể tên một số đối tượng Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Hằng, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng.... Chiêu bài mà các đối tượng dùng để tiến hành các hoạt động của mình đó là chúng lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “bảo vệ Tổ quốc”, “giành tự do cho nhân dân”… để lập ra các hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây “ấn tượng” với nhu cầu, thị hiếu của từng tầng lớp, thành phần trong xã hội. Công việc mà các đối tượng này trực tiếp thực hiện đó là chúng lợi dụng các kẽ hở về mặt pháp luật, các vấn đề tiêu cực, nhạy cảm như: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động với âm mưu hình thành, công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam.

Chúng thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho số thành viên; công khai viết đơn kiến nghị, đòi thành lập đảng chính trị đối lập, xin tự thành lập hội, nhóm và đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự… Để thực hiện được các công việc này, các đối tượng đứng đầu trong các tổ chức có sự liên kết chặt chẽ, móc nối với nhau hoặc liên kết với các thế lực thù địch, chống đối ở nước ngoài. Chúng nhận sự hậu thuẫn về vật chất cũng như tinh thần của các thế lực phản động nước ngoài tiến hành thực hiện các hoạt động chống phá. Mục đích cuối cùng mà chúng đặt ra là nhằm chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm sút lòng tin của quần chúng với Đảng, Nhà nước; tạo tiền đề tập hợp, phát triển lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Một thực tế đáng lưu ý là từ trước tới nay, ở chính các nước phương Tây và Mỹ, một mặt khuyến khích “xã hội dân sự” trên hình thức để mị dân chính quốc và thi hành chính sách “diễn biến hòa bình” ở các nước cần thay đổi thể chế chính trị; một mặt lại giám sát, cấm đoán một cách chặt chẽ các tổ chức xã hội nếu thấy có mối nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ, Điều 16 Công ước châu Âu quy định các nước tham gia cần có những hạn chế đối với hoạt động chính trị của người nước ngoài trong các trường hợp liên quan đến quyền tự do lập hội. Dưới góc độ kinh tế thì mối nguy hại của “xã hội dân sự” được chính Ngân hàng Phát triển châu Á nhận xét: “Các tổ chức xã hội công dân cũng có thể bao gồm những hiệp hội có động cơ bạo lực, tham lam, lợi ích cục bộ, thù địch sắc tộc và đàn áp xã hội, cũng như các tổ chức kinh doanh vận động hành lang như ngành công nghiệp thuốc lá, là không thể đại diện cho lợi ích đông đảo của công chúng”(Ngân hàng Phát triển châu Á: Phục vụ và duy trì, cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. NXB. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.2003. tr.613). Dẫn chứng này cho thấy ngay tính chất vô chính phủ, tự phát, cơ hội của các tổ chức trong “xã hội dân sự” nếu không có một cơ chế quản lý chính trị chặt chẽ.

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài viết: Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước. Đó không phải là cái gì khác, mà đích xác đó là hành động “diễn biến hòa bình” quen thuộc mà thâm độc của các lực lượng phản động, thù địch với chế độ ta.Như vậy, với những tôn chỉ mục đích và phương thức hoạt động đặt ra như trên, các hội nhóm, tổ chức xã hội dân sự này không thể được coi là các tổ chức mang tính tích cực, đưa lại sự tiến bộ cho xã hội được. Mà ngược lại, việc nhân danh xã hội dân sự để thành lập các hội nhóm, tổ chức chính trị, xã hội, các diễn đàn chính trị đối lập, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc là hành vi phải bóc trần, kiên quyết loại bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...