Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam chiến đấu với "kẻ địch trong lòng" theo lời Bác Hồ dạy


Vào tháng Ba của năm 1947 và 1948, Bác Hồ có thư gửi hai lực lượng với những căn dặn trở thành cẩm nang rèn luyện, phấn đấu; trong đó có nhiều căn dặn về đạo đức cách mạng, chống những “kẻ địch trong lòng” và cảnh giác trước những “viên đạn bọc đường”...

Lá thư Bác gửi lực lượng công an vào ngày 11-3-1948, trong bối cảnh bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, quyết liệt. Bác đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh” với 6 điều căn dặn: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Đối với QĐND, trước đó một năm, vào ngày 27-3-1947, Bác gửi thư cho Báo Vệ Quốc quân (một trong hai tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay), căn dặn 12 điều, sau đó trở thành cốt lõi của 12 điều kỷ luật trong QĐND Việt Nam. 12 điều Bác gửi Báo Vệ Quốc quân gồm: "1. Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên. 2. Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư. 3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân. 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ. 5. Nói nǎng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con. 6. Mua bán phải công bình. 7. Mượn cái gì phải trả tử tế. 8. Hỏng cái gì phải bồi thường. 9. Phải giúp đỡ dân bất kỳ việc to, việc nhỏ. 10. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ. 11. Chớ ve gái, say sưa, cờ bạc, hút xách. 12. Phải giúp đỡ gia đình chiến sĩ tại nơi mình đóng, phải giúp đỡ việc tǎng gia sản xuất".

Khoảng tháng 7-1945, đến thăm Tiểu đoàn 600, một đơn vị bảo vệ Trung ương, Bác đã nêu viễn cảnh thắng lợi, ta về tiếp quản Hà Nội thì ra sao. Người hỏi: “Các chú có thấy gì đáng lo ngại không?”. Bộ đội ta trả lời: “Không có gì đáng lo ạ!”. Nhưng Bác lắc đầu và giải thích: “Vào đến Hà Nội, mùi phở thơm lắm, ăn thử một bát thấy ngon. Đêm gác, đói muốn ăn nữa. Tiền phụ cấp ít, chỉ đủ mua thuốc đánh răng, dao cạo, cắt tóc... muốn ăn phở phải ký nợ... Thế là hỏng. Phụ nữ Hà Nội đẹp, đa số là người tốt, nhưng cũng có một số người có mặt tốt, mặt xấu, thậm chí có người bị địch làm hỏng mất rồi. Số người hỏng này, họ nói ngọt ngào, chú này có vợ ở quê, dễ quên các thím ấy lắm. Viên đạn bọc đường này, trúng nó thấy “ngọt”, ngã lúc nào không biết...”.

9 năm sau, trước lúc vào tiếp quản Thủ đô, trong bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ vào ngày 5-9-1954, Bác một lần nữa cảnh báo chuyện “đạn bọc đường”. Người nói: “Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: Phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp, v.v.. Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ǎn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ǎn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc… Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ǎn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ǎn hối lộ, mà ǎn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy...”.

Bác Hồ năm xưa từng cảnh báo nạn “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy, những sai phạm vẫn diễn ra. Chúng ta không khỏi đau xót và đáng buồn khi những năm gần đây, trên mạng xã hội, đây đó vẫn tán phát những hình ảnh, hiện tượng, việc làm không đẹp của một vài cán bộ, chiến sĩ vô hình trung làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của toàn lực lượng, làm tổn thương, suy giảm tình cảm yêu mến, tin cậy của nhân dân.

Vì vậy, học tập, làm theo lời dạy của Người không phải là những điều đao to búa lớn mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, không phải bắt đầu ở đâu xa mà phải từ hành động của bản thân mỗi người, từ chính bản thân mình. Mỗi người hãy luôn tâm niệm và giữ gìn uy tín, hình ảnh của chính mình khi mang trên mình bộ quân phục, cảnh phục-biểu tượng của danh dự, niềm tin mà bao thế hệ từng hy sinh, xây đắp và hãy luôn khắc ghi rằng, trong cuộc sống có nhiều điều cần vươn tới nhưng “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...