Nhằm chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và phủ nhận những thành quả mà Đảng và
nhân dân ta đã đạt được. Hiện nay các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc đường lối
này với nhiều quan điểm sai trái. Đặc biệt, ngày 30/9/2023, trên trang blog VOA
Tiếng Việt tán phát bài “Việt Nam sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa”, đưa ra những số liệu thiếu kiểm chứng về tình hình
kinh tế xã hội, kêu gọi Việt Nam “từ bỏ” chủ trương xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước hết
phải khẳng định, kinh tế thị trường là
thành quả của văn minh nhân loại, được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng một
cách đúng đắn, sáng tạo, trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ
theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội
chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên
cạnh tính ưu việt của mô hình này, vẫn còn tồn tại những khuyết tật, đó là: Tình
trạng tham nhũng; thất nghiệp, lạm phát; bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách
giàu nghèo; cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường… những hạn chế cố hữu này,
bản thân kinh tế thị trường không những không thể tự khắc phục được, mà còn gia
tăng theo thời gian. Để khắc phục không có cách nào khác bằng sự định hướng, điều
tiết nền kinh tế để bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, ưu việt cao cả của chế độ
xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn qua 37
năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém
phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô
và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ
USD vào năm 1989, thì đến năm 2022 đã đạt 409 tỉ USD, đứng thứ 37 nền kinh tế lớn
nhất thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á.
Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thu nhập
bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ khoảng 250 USD/năm, thì đến
năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Nhiều tổ chức
quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành
công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công
“mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Những kết quả đó là minh chứng
thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái,
thù địch về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
ở nước ta.
Với đường lối
và những bước đi phù hợp, Đại hội XIII của Đảng
xác định: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại,
vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển,
có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước
phát triển, thu nhập cao. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, biến những
mục tiêu cao đẹp nêu trên trở thành hiện thực, xây dựng một nước Việt Nam dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã
hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét