Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được
nhiều cơ quan báo chí, truyền thống trên thế giới quan tâm với hàng loạt các
tin, bài phân tích, bình luận. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, có
không ít bài bình luận đưa ra những nhận định cho rằng việc: Việt Nam nâng cấp
quan hệ với Hoa Kỳ sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với
các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc...
Cần phải nói ngay rằng nhận định này
là không phù hợp, không đúng với thực tế, dễ gây hoài nghi, hiểu lầm về chủ
trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thông điệp mà Việt
Nam nhiều lần truyền tải tới bạn bè quốc tế là: Thực hiện nhất quán đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa,
đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên
tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo tinh thần ấy, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế
của Việt Nam những năm qua tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khuôn
khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Cho đến nay, Việt Nam đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra
mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả
các nước lớn. Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình
Liên hợp quốc, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của khoảng
60 nền kinh tế… Việt Nam chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực
trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan
hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn
diện và các đối tác khác. Hội nhập quốc tế tiếp tục được Việt Nam triển khai
chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác,
giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để phát triển đất nước. Vị thế, uy tín, vai trò
của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ được thiết lập
năm 1995. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Từ đó đến
nay, quan hệ song phương giữa giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã có sự phát triển tích
cực, ổn định. Hoa Kỳ trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam
trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát
triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên mọi lĩnh vực, phục vụ lợi ích của nhân
dân hai nước, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực
và trên thế giới…
Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn
diện là một trong những dấu mốc trong thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại
của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việc làm này thêm một lần nữa khẳng định sự nhất quán
trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế toàn diện,… của Việt Nam.
Mặt khác, vốn là dân tộc yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu,
Việt Nam luôn nhất quán phương châm gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng
tới tương lai. Việc nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác mới với các
nước, trong đó có Hoa Kỳ sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam triển khai mạnh
mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển, đa dạng hóa, đa phương hóa….
Trong một thế giới đầy biến động, Việt
Nam coi trọng và mong muốn hợp tác, tăng cường quan hệ với tất cả các đối tác.
Việt Nam không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải
trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”, thúc đẩy đưa quan hệ với
các nước, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn, thu
hút thêm nguồn lực phát triển đất nước theo đường lối đối ngoại mà Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
Trong mối quan hệ quốc tế đa phương
hóa, đa dạng hóa, đan xen lợi ích, không chỉ có quan hệ với các nước láng
giềng, mà các nước trong đó có Việt Nam còn những mối quan hệ khác cũng không
kém quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam xem nhẹ mối quan hệ với các
nước láng giềng. Trong quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực,
Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền
thống, tích cực triển khai các cam kết, thể hiện trách nhiệm trước các vấn đề
của khu vực và thế giới. Trong hợp tác với các quốc gia láng giềng, khu vực và
cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, không ngừng củng cố
niềm tin và tăng cường trách nhiệm. Chủ trương đúng đắn của Việt Nam là quan hệ
với nước này không làm ảnh hưởng tới quan hệ với nước khác. Điều này đã được
khẳng định trên thực tế. Những năm qua quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và
các nước láng giềng đã được xây dựng trên cơ sở lòng tin chiến lược. Mối quan
hệ này ngày càng trở nên bền chặt, đi vào thực chất và là niềm tự hào của Việt
Nam cũng như của các nước.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, Việt Nam hiểu rằng
để giữ được mối quan hệ, lòng tin chiến lược giữa các nước, nhất là các nước
láng giềng là điều không hề đơn giản. Để lòng tin chiến lược không bị xói mòn,
Việt Nam luôn xác định và mong muốn cùng các nước thường xuyên chăm lo, củng cố
lòng tin chiến lược bằng nhiều phương thức. Đặc biệt trong bối cảnh, các thế
lực thù địch thường xuyên lợi dụng những sơ hở của công tác đối ngoại để chống
phá, nhất là chia rẽ sự đoàn kết, tin cậy, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống
giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Vì thế, trong quan hệ đối ngoại trên cơ
sở giữ vững lòng tin chiến lược, Việt Nam mong muốn và đề nghị các nước láng
giềng cần hết sức tỉnh táo. Đảng, Nhà nước Việt Nam mong muốn và đề nghị các
nước, các phương tiện báo chí, truyền thông cần có cái nhìn khách quan, toàn
diện, lịch sử, cụ thể trên tinh thần xây dựng khi bàn về chính sách ngoại giao,
cũng như các lĩnh vực khác của Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét