Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

NVH41- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ và hết sức phức tạp, gắn bó giữa việc nhận thức quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; là kết quả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày càng sâu sắc hơn.

Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình tổng quát, là đường lối chiến lược nhất quán của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đến nay, đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định ngày càng sâu sắc.

Về mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”.

Đặc trưng về sở hữu: Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta chỉ có một chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất là chế độ công hữu (gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể). Từ khi tiến hành đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận trên thực tế có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, bao gồm cả công hữu và tư hữu.

Đặc trưng về cơ cấu kinh tế: Là nền kinh tế có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế khác là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đặc trưng về phân phối: Thực hiện phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, dựa trên các nguyên tắc của cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từ chỗ coi Nhà nước là chủ thể quyết định phân phối chuyển dần sang xác định thị trường quyết định phân phối lần đầu và Nhà nước thực hiện phân phối lại.

Về cơ chế vận hành của nền kinh tế: Kết hợp giữa cơ chế thị trường với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X, tháng 3-2008, Đảng ta khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là nền kinh tế có tổ chức, có kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phát huy những ưu thế của kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch, vừa loại bỏ những khuyết tật của hai nền kinh tế đó, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng và tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển các thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không phải thị trường điều tiết hoàn toàn mà còn có sự điều chỉnh, quản lý của Nhà nước để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, khắc phục những bất cập, khuyết tật của cơ chế thị trường.

Về phương tiện, công cụ, động lực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kinh tế thị trường được Đảng, Nhà nước sử dụng như một công cụ, phương tiện, một động lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cơ chế vận hành của kinh tế thị trường là một cơ chế mở, bị điều tiết bởi các quy luật kinh tế cơ bản: giá trị, cạnh tranh, cung cầu nên kinh tế thị trường tạo ra khả năng kết nối hình thành chuỗi giá trị cho nền sản xuất toàn cầu.

Có thể nói, trải qua hơn 35 năm đổi mới, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trở thành đóng góp lý luận cơ bản và sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới”(2). “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập”. Đường lối đổi mới kinh tế phù hợp với yêu cầu khách quan đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của nước ta tăng trưởng vượt bậc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sửđất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành nước có thu nhập trung bình; hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế khu vực và thế giới, tạo thế và lực mới cho nền kinh tế. Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991 - 1995, tăng trưởng GDP bình quân đã đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao, riêng giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất(7). Đặc biệt, trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm (2016 - 2020) tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 343 tỷ USD. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Tính theo chuẩn nghèo chung, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% năm 1990 xuống còn dưới 6% năm 2018; hơn 45 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2018. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 được xếp thứ 42/132 nước, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapo (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 55 năm 2022, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, lý luận và thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gần đây, trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Điều này không chỉ tạo tiền đề xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam mà còn góp phần bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại mới./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...