Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

NVC41 - SỨC MẠNH TRÊN ĐE, DƯỚI BÚA CỦA PHÊ BÌNH

 

1. Quan liêu, tham ô, lãng phí là căn bệnh nguy hiểm mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ ra và kiên quyết, kiên trì tiến hành các biện pháp đấu tranh phòng, chống, khắc phục. Trên Báo Nhân dân ngày 31-7-1952, Hồ Chí Minh đăng bài báo nổi tiếng có tên: “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”. Trong bài báo, Người xác định; “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác” và yêu cầu: “Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Hồ Chí Minh nêu rõ chống quan liêu, tham ô, lãng phí không chỉ là công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước mà còn là của toàn dân, phải phát huy được sức mạnh của toàn dân cùng đồng thuận, hăng hái tham gia. Tháng 7-1962, Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng, xác định, triển khai thực hiện tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành, Đảng ta đã luôn luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình. Có những lúc chúng ta phải “tự chỉ trích”, “đóng cửa” để củng cố, chỉnh đốn Đảng”.

2. Chữa bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp kiên quyết, kiên trì, trong đó có vai trò quan trọng của thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng. Người xác định phê bình và tự phê bình là phương pháp hữu hiệu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”. Người cho rằng: Phê bình để tạo ra phương thuốc hữu hiệu chữa bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí: “Trên đe, dưới búa của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí” và từ đó phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, “làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.

Trong sự nghiệp đổi mới vừa qua, Đảng ta đã tiến hành tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình, nhờ vậy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Nghị quyết Trung ương năm khóa XIII cũng nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu… Do đó, Đảng cần tiếp tục tiến hành các giải pháp sửa chữa, khắc phục, nhất là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phê bình và tự phê bình.

3. Nhằm tổ chức thực hiện phê bình đạt hiệu quả nhất, Hồ Chủ tịch đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, tích cực. Người yêu cầu: Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng; thực hiện phê bình từ trên xuống dưới và từ dưới lên, chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau. Người nhắc nhở phê bình phải thực chất, thường xuyên, bảo đảm đoàn kết, thống nhất, xây dựng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; huy động sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đồng thời phòng, tránh những sai sót, khuyết điểm trong thực hiện phê bình, tự phê bình, phòng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

Tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng nghiêm túc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết yêu cầu trong phê bình và tự phê bình phải: “Hết sức tránh làm qua loa, hình thức, chiếu lệ” và phải khắc phục cho bằng được tình trạng: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân được trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ; phải làm tốt việc tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

4. Hồ Chí Minh chỉ rõ cùng với làm tốt việc phê bình thì biện pháp quan trọng và cần thiết nhất nâng cao đạo đức cách mạng, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ quan liêu, tham ô, lãng phí là từng cán bộ, đảng viên phải: “Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo”.

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới đã nêu rõ cán bộ, đảng viên phải: “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”. Cụ thể cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng nhân dân; từng cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm” và đồng thời, tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sự tự giác rèn luyện phấn đấu của cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm cao, hành động vào cuộc đồng hành quyết liệt của toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện công tác phê bình của Đảng chắc chắn sẽ tạo sức mạnh to lớn để Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn vững mạnh, trong sạch, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngày càng thắng lợi, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...