Năm 1991, Nhà nước
ta đã sửa đổi quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985, trong đó bổ sung
thêm một tội mới là “Tội lợi dụng
các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của tổ chức, công dân”. Quy định về tội
phạm này được tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm
2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong thực tế, mặc dù tỷ lệ các vụ
án lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo, quyền tự do báo chí xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trên tổng số các vụ
án hình sự được đưa xét xử
hăng năm rất thấp song do tính chất nhạy cảm nên được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các thế lực thù địch và một số phần
tử chống đối cũng lợi dụng vấn đề này để vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Gần đây nhất, vào ngày 02/7/2023 trên
trang facebook của tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã đăng bài viết với tựa đề “LUẬT 331 KHÔNG CHỪA MỘT AI!” của
tác giả Hạnh Nhân, nội dung bài viết đã cố tình bịa đặt, nói xấu đường lối,
quan điểm của Đảng cộng sản, chúng xuyên tạc Điều 331 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ
sung năm 2017. Thực chất của bài viết đang cố tình tạo cho mình một vành đai an
toàn nằm trong lợi ích nhóm, muốn đứng ngoài vòng pháp luật để thực hiện các
hoạt động chống phá mà không bị chế tài, pháp luật xử lý, đồng thời, chúng
hướng dư luận theo một cách khác gây tâm lý bất ổn, hoang mang cho người dân
qua đó để tạo áp lực dư luận đòi hỏi phải xóa bỏ hoặc thay đổi nội dung của
điều luật này.
Trong thực tế, việc áp dụng quy định
của pháp luật hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là một yêu cầu hoàn toàn mang tính khách
quan, xuất phát từ yêu
cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; đòi hỏi về bảo vệ nhân quyền
ngày một cao trong xã hội và nhân dân; đáp ứng yêu cầu xây dựng
Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công
tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Trong những năm
qua, nhìn chung tình hình an an ninh quốc gia của Việt Nam tương đối ổn định
hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Có được sự ổn định
này là do sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong sự
nghiệp bảo vệ an ninh chính trị đất nước. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng trong
đó không gian địa lý giữa các quốc gia ngày càng bị thu hẹp do sự phát triển
của các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, toàn cầu hóa không chỉ về kinh
tế mà còn cả về văn hóa là
một xu thế không thể đảo ngược thì an ninh quốc gia của mỗi nước cũng có sự phụ
thuộc vào tình an ninh khu vực, an ninh toàn cầu và an ninh cả từ phía các quốc
gia khác. An ninh quốc gia Việt Nam hiện nay chịu sự tác động từ nhiều yếu tố
bên ngoài, trong đó có vấn đề sự chống phá của các thế lực thù địch và chủ
nghĩa đế quốc quốc tế. Liên quan đến tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, vấn đề nổi
lên hiện nay là sự can thiệp của các thế lực thù địch nước ngoài vào công việc
nội bộ của Việt Nam dưới chiêu bài
dân chủ, nhân quyền. Phụ họa và làm tay sai cho nước ngoài là những phần tử
phản động người Việt, vì lợi ích và động cơ cá nhân bán rẻ đất nước. Để nhận
được những đồng tiền tài trợ của nước ngoài, những phần tử này đã thực hiện
nhiều hành vi phá hoại sự nghiệp đổi mới của đất nước, bôi nhọ, vu khống, xuyên
tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi lem những
thành quả mà nhân dân ta
đã phải đổ mồ hôi,
xương máu trong khó khăn, gian khổ mới có được. Nguy hiểm hơn, chúng lại thực
hiện hành vi phạm tội dưới những hình thức hết sức tinh vi, xảo quyệt. Một mặt,
chúng vừa công khai, trắng trợn chống phá chế độ, mặt khác, chúng lợi dụng các
quyền tự do dân chủ hợp pháp mà Hiến
pháp và pháp luật quy định để thực hiện các hoạt động chống đối. Thực tế này
đòi hỏi các nhà làm luật Việt Nam phải không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện các
quy định của Bộ luật hình
sự nói chung, quy định về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích
của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân nói riêng, qua đó
tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho các cơ quan chuyên trách trong việc đấu tranh,
phòng ngừa, hạn chế, đi đến loại trừ khả năng đối tượng phạm tội có thể thực
hiện tội phạm của chúng bằng cách sử dụng thủ đoạn nói trên.
Quan điểm của Đảng
Cộng sản Việt Nam thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
của Đảng là: “Tiếp tục đẩy
mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm
Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo… Nâng cao năng
lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã
hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương.” Trong Nhà
nước pháp quyền, vai trò của
pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng vô cùng quan trọng. Pháp luật
không chỉ là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn là cơ sở
pháp lý cho mọi hoạt động của các tổ chức, công dân. Mọi công dân được hưởng
đầy đủ các quyền, bao gồm cả quyền tự do, dân chủ do pháp luật quy định, nhưng
đồng thời cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của bản thân, phải nghiêm chỉnh, tự
giác chấp hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật, không được phép lợi
dụng quyền tự do dân chủ để gây rối, phá hoại trật tự chung. Phòng ngừa, đấu
tranh chống tội phạm là trách nhiệm của toàn xã hội. Làm cho dân biết, dân
hiểu, dân ủng hộ và tích cực tham gia cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trong hoạt động đấu tranh với hành vi phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là một
yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Không chỉ riêng Việt Nam và tại nhiều
quốc gia trên thế giới, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng được quy
định rất cụ thể. Tại Khoản 2, Điều 29,
Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 khẳng định “Trong khi hành xử
những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt
ra, bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng,
những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một
xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Hàng loạt các quốc gia cũng đặt
ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm
phạm các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Ví dụ: Hiến pháp Đức
quy định “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo
chí, tự do tuyên truyền…làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ
sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Các hành vi lợi
dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc công dân được luật hình sự Trung
Quốc cá thể hóa thành nhiều tội phạm cụ thể như: Điều 296 BLHS năm 1997 của Trung Quốc quy
định: “Người nào tiến
hành tụ tập, diễn hành thị uy mà không
xin phép theo quy định của pháp luật hoặc đã xin phép những chưa được sự đồng
ý, hoặc không căn cứ vào thời gian, địa điểm, tuyến đường cho phép của cơ quan
chủ quản, chống lại mệnh lệnh giải tán, phá hoại nghiêm trọng trật tự xã hội,
thì người chịu trách nhiệm trực tiếp và những người phụ trách việc tụ tập, diễn
hành, thị uy bị phạt tù đến 5 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước
quyền lợi chính trị”; Điều 300 BLHS năm
1997 của Trung Quốc quy định: “Người nào tổ
chức và lợi dụng các môn đạo, tổ chức tà giáo hoặc lợi dụng mê tín phá hoại pháp luật của Nhà
nước và việc thực thi pháp quy hành chính, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm;
nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn từ 7 năm
trở lên”…
Đối với Việt Nam, các
quyền tự do dân chủ của công dân luôn được tôn trọng, đảm bảo và được quy định
rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, công dân có các quyền như tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội, quyền
khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do dân chủ khác. Công dân có thể thông qua
nhiều hình thức đa dạng như qua báo chí, trang mạng xã hội để thực hiện quyền
của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực
hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích
của cá nhân, tổ chức khác hay của Nhà nước. Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi
phạm pháp luật và bị xử lý bằng nhiều hình thức tùy theo tính chất, mức độ vi
phạm, hậu quả,… trong đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 331 BLHS với
mức hình phạt lên đến 7 năm tù. Lợi ích của Nhà nước có thể kể đến là lợi ích
về kinh tế, chính trị, ngoại giao, uy tín của chính quyền,… quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân bao gồm các quyền về kinh tế, chính trị, dân sự… được
pháp luật quy định. Đây chính là những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc
biệt vì nó phản ánh những lợi ích cơ bản của những người lao động và của xã hội
Việt Nam. Hành vi vi phạm được biểu hiện rất đa dạng, đó có thể là việc sử dụng
mạng xã hội để lan truyền thông tin sai trái, thất thiệt gây phương hại đến lợi
ích người khác; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hạ bệ, tấn công người
khác,…
Trong lịch sử lập
pháp Việt Nam hiện đại từ năm 1945 đến nay, quá trình hình thành quy định về
tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, công dân gắn liền với việc ghi nhận và cụ thể hóa các
quyền cơ bản của công dân. Quyền và nghĩa vụ của công dân phải được quy định
song hành với nhau. Nhà nước công nhận và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của
công dân, đồng thời cũng yêu cầu công dân thực hiện các quyền ấy với tinh thần
xây dựng, không lợi dụng quyền để xâm hại lợi ích của người khác và lợi ích
công cộng.
Theo đó, Điều 331 BLHS năm 2015, sửa
đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định rất rõ về tội lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân
như sau: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ
khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an
toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Điều luật đã thể hiện được quyền bình
đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của xã hội. Nhà nước
ta luôn luôn coi trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một
trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật Nhà nước. Mặt khác điều luật được xây
dựng nhằm duy trì xã hội trật tự, ổn định, trong đó không chỉ công dân, mỗi tổ
chức, mà bản thân Nhà nước và những người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn
trọng pháp luật.
Việc ban hành quy định tại Điều 331 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm
2017 là hoàn toàn mang tính khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu
phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này trong xã hội, không để các thế lực
thù địch và phần tử xấu lợi dụng vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân
quyền. Bên cạnh
đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung BLHS, để nâng cao hiệu quả
đấu tranh phòng chống tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, cần áp dụng đồng thời
nhiều biện pháp để phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh hành
vi này; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là
các quy định pháp luật liên quan đến các quyền tự do dân chủ của công dân; tiếp
tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền,
tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, nâng
cao năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét