Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

NVE40-PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định là mô hình tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối, quan điểm, chính sách đổi mới đúng đắn, là sự kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận của Đảng ta, có tính khái quát cao, là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn dân tộc, vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về phát triển đất nước hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là sự tìm tòi, thể hiện cả về lý luận và thực tiễn của xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay. Đây cũng là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, là sự lựa chọn khách quan, phù hợp với xu thế vận động chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi đề cập đến mô hình kinh tế này, một số luận điểm cho rằng kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa như “nước và lửa”, không thể kết hợp với nhau. Họ khẳng định: Kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, rằng kinh tế thị trường không dung hợp với xã hội chủ nghĩa, việc chuyển sang kinh tế thị trường là chuyển sang chủ nghĩa tư bản, rằng đó chỉ là “tấm áo khoác xã hội chủ nghĩa” cho nội dung tư bản chủ nghĩa, rằng đó là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là “đầu Ngô mình Sở”. Có người còn ví von bằng hình ảnh rằng nền kinh tế thị trường như con “hổ đói”, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là “con thỏ non”, nếu thả chung với nhau, kinh tế thị trường sẽ ăn thịt định hướng chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn cho thấy những quan niệm nêu trên, nếu không phải là những luận điệu ác ý của các thế lực thù địch thì cũng là những quan niệm phiến diện của những người ít tiếp nhận thông tin. Phải chăng, các quan điểm này có cội nguồn lý luận từ thuyết xã hội hậu công nghiệp nêu ra từ những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là sự xuyên tạc thiếu căn cứ bởi lẽ, thực tế lịch sử cho thấy, kể từ khi xã hội phân chia thành giai cấp cùng với sự xuất hiện của nhà nước thì nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều chịu sự định hướng chính trị của một giai cấp nhất định trong xã hội. Đó là giai cấp nắm trong tay quyền lực nhà nước, thông qua nhà nước, giai cấp cầm quyền đề ra những chủ trương, chính sách để bảo vệ lợi ích của mình, trước hết là lợi ích kinh tế. Thật vậy, nếu kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản được định hướng bởi nền chính trị, nhà nước của giai cấp tư sản, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tối đa phục vụ tốt nhất cho lợi ích của giai cấp tư sản thì kinh tế thị trường, định hướng chủ nghĩa xã hội được định hướng bởi nền chính trị của giai cấp công nhân - giai cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Bởi thế, một trong những nét đặc sắc mang bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách và suốt quá trình phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người cho thấy: kinh tế thị trường không đồng nhất hoặc là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, đó là thành tựu phát triển cao của nền văn minh nhân loại, không thể và chưa bao giờ là độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Điều này đồng nghĩa với sự bình đẳng của mọi quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, trong đó các nước xã hội chủ nghĩa có thể sử dụng mô hình kinh tế này để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo mục đích của mình. Mặc dù sự phát triển của kinh tế thị trường có gắn bó chặt chẽ với các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhưng nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường tồn tại và phát triển khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển một cách phổ biến trong nền kinh tế trên các nguyên tắc của thị trường tức là quan hệ hàng hóa - tiền tệ, giá cả hình thành trên thị trường và được quyết định bới quan hệ cung - cầu trên thị trường… Kinh tế thị trường tồn tại và phát triển trong chủ nghĩa tư bản và cả trong xã hội chủ nghĩa. Vì lẽ đó, kinh tế thị trường không chỉ dung hợp với chủ nghĩa tư bản mà còn dung hợp được với xã hội chủ nghĩa. Không nên quan niệm chỉ là “mượn” hoặc sử dụng kinh tế thị trường như là một yếu tố ngoại lai, đứng bên ngoài mô hình phát triển kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng: kinh tế thị trường còn là phương thức phát triển kinh tế dựa trên những nguyên tắc của thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển của một chế độ xã hội. Bản chất của chế độ chính trị - xã hội quyết định bản chất của nền kinh tế thị trường.

Có thể khẳng định, chỉ phát triển có hiệu quả nền kinh tế thị trường hiện đại thì mới có khả năng thực hiện thành công công nghiệp hóa rút ngắn ở Việt Nam. kinh tế thị trường phải là một yếu tố nội tại bền vững trong mô hình kinh tế tổng quát định hướng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không thể là nền kinh tế phi thị trường.

Vì vậy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, cần nhận rõ những luận điệu xuyên tạc bản chất mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay của các thế lực thù địch đều nhằm mục đích duy nhất là làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cần hết sức tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...