Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

NVH40 - Phê phán quan điểm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ làm triệt tiêu cạnh tranh, không còn tự do cạnh tranh”

 

Đảng và Nhà nước ta khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường. Quy luật cạnh tranh là một trong những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, do đó, không thể có nền kinh tế thị trường nếu thiếu quy luật cạnh tranh. Cạnh tranh giúp các doanh nghiệp luôn  phải tối ưu hóa sản xuất của mình, làm sao cho chi phí sản xuất ở mức tối thiểu để đạt được mức lợi nhuận tối đa. Nếu không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ bị phá sản, do đó nó luôn phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh, luôn phải cải tiến sản xuất, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề của lao động, thay đổi máy móc, thiết bị…


Đây là quy luật tất yếu, khách quan, trong Nghị quyết số 11-NQ-TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Kết quả của cạnh tranh làm cho nguồn lực của xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất; do đó, không thể không tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cho nên nói rằng, không có tự do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật.


Việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những thành tựu to lớn, thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề cả về cơ sở vật chất, con người, môi trường sinh thái. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta phát triển liên tục với tốc độ trung bình tương đối cao vào khoảng 7% năm trong suốt 36 năm qua. Quy mô GDP không ngừng tăng lên, năm 2021 đạt 362,6 tỉ USD (theo WorldBank), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân tăng hơn 17 lần, lên mức 3.694,02 USD/người; Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008.


Từ một nước bước ra khỏi chiến tranh, lương thực bị thiếu triền miên, đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đến năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.


Ba là, phê phán quan điểm cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chú trọng đến kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mà hạn chế, loại bỏ kinh tế tư nhân.

Về bản chất, nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm nhiều thành phần kinh tế và được quy định bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong thời kỳ này, lực lượng sản xuất còn nhiều trình độ khác nhau, do đó cũng phải có nhiều hình thức sở hữu tương ứng. Mỗi một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế tương ứng. Việt Nam với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn, do đó, việc phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào sản xuất là tất yếu. Cũng như không thể dùng các biện pháp hành chính, phi kinh tế như trước đây để loại bỏ thành phần kinh tế tư nhân ra khỏi nền kinh tế quốc dân.

Sự tồn tại của sở hữu tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cũng là một tất yếu khách quan. Sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ dẫn tới việc xác định các quan hệ sở hữu mới. Ph.Ăngghen trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản đã viết khi trả lời câu hỏi: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”.


Như vậy, việc xây dựng nền kinh tế công hữu phải dựa trên một lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ cao, yêu cầu phải có quan hệ sản xuất tương ứng. Do đó, sự tồn tại thành phần kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp, bao gồm nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất, trong đó, chế độ công hữu ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Không thể có nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu trong nó, chế độ công hữu không đóng vai trò nền tảng.


Đây là một cấu trúc đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không có nghĩa là “hạn chế”, hay “loại bỏ” thành phần kinh tế tư nhân. Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Đảng ta xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.


Đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”. Vì vậy, quan điểm cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chú trọng đến kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mà hạn chế, loại bỏ kinh tế tư nhân là quan điểm sai lầm, phiến diện.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...