Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

NVH40 - Phê phán quan điểm cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản

 

Trước khi các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành đổi mới, cải cách, nền kinh tế ở các nước này sử dụng phổ biến theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp. Do đó, không chỉ các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị mà ngay cả một số cán bộ, đảng viên cũng đồng nhất nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp với chủ nghĩa xã hội; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản. Thực chất, kinh tế thị trường không phải là chế độ kinh tế - xã hội. Kinh tế thị trường chỉ là một hình thức, phương pháp vận hành của nền kinh tế. Ở đó, việc phân bổ tài nguyên, quyết định việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai là do các quy luật của thị trường chi phối như các quy luật cung - cầu, giá trị - giá cả… Các yếu tố của sản xuất được đem mua bán trên thị trường.


Dễ nhận thấy, đây là sự phát triển của trình độ cao của sản xuất hàng hóa. Đầu tiên, loài người sản xuất trong nền kinh tế tự cung, tự cấp. Sau đó, khi có hàng hóa dư thừa nhất là khi tiền tệ ra đời người ta đem trao đổi hàng hóa dư thừa đó lấy các hàng hóa mà mình cần. Sự hiệu quả của việc chuyên sản xuất hàng hóa mà mình có ưu thế về kỹ thuật, nguyên liệu, sản xuất với số lượng lớn… dẫn đến chuyển dần từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa. Như vậy, kinh tế thị trường chẳng qua là sự phát triển đến trình độ cao của kinh tế hàng hóa - một sản phẩm của lịch sử nhân loại; nó không phải là sản phẩm riêng có, càng không phải là của chủ nghĩa tư bản.


Do đó, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhất là trong thời kỳ quá độ càng cần phải sử dụng kinh tế thị trường; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lúc sinh thời, V.I.Lênin đã nhấn mạnh chính quyền của giai cấp công nhân cần phải tiếp thu những cái hay, cái tốt của nhân loại (dù là của chủ nghĩa tư bản) để xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Hãy dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tơ rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, v.v.. = chủ nghĩa xã hội”.


Ở Việt Nam, thời kỳ trước đổi mới, nền kinh tế ở nước ta rập khuôn máy móc theo mô hình tập trung, quan liêu bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô. Trong nền kinh tế này, nhà nước phân bổ nguồn lực theo quy hoạch và kế hoạch. Chính vì vậy, dẫn đến sự khủng hoảng và trì trệ trong nền kinh tế. Khi Đảng ta nhận thấy những bất cập trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với tinh thần đổi mới và sự đột phá về tư duy lý luận, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Trên cơ sở đó, đã từng bước nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, sự thừa nhận tồn tại khách quan của các hình thức sở hữu khác nhau ngoài hình thức sở hữu nhà nước và tập thể, của sản xuất hàng hóa và thị trường. Trong Văn kiện Đại hội VII đã chỉ ra một thành tựu về đổi mới kinh tế là “bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Đại hội VIII của Đảng (tháng 6.1996) đã đưa ra một nhận thức mới rất quan trọng: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”.


Đến Đại hội IX của Đảng (tháng 4.2001) mới chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”: là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Đại hội XIII khẳng định “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là, nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Như vậy, kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại trong quá trình phát triển của mình và sử dụng nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Trong thực tiễn, bất cứ một nhà nước nào trong quá trình quản lý nền kinh tế của mình luôn phải giải bài toán giữa việc để cho nền kinh tế vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để điều hành, ổn định, định hướng phát triển của nền kinh tế.


Định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây chính là đảm bảo các mục tiêu phục vụ cho dân chủ, công bằng, bình đẳng, phát triển con người chứ không phải vì lợi nhuận mọi giá. Kinh tế thị trường sẽ làm cho việc phân bổ các nguồn lực của xã hội được tối ưu, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là khắc phục những mặt trái, khuyết tật của kinh tế thị trường đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân nhằm đạt được những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau để hướng tới những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nó không phải là cái gì khiên cưỡng, gán ghép như các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...