Năm 2024, thế giới tiếp tục có nhiều biến động, với những bước ngoặt
chuyển dịch nhanh hơn sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm. Trong tiến trình
đó, tính bất ổn và bất định ngày càng gia tăng. Hòa bình, hợp tác và phát triển
bền vững vẫn là nguyện vọng và mục tiêu chung mà đại đa số quốc gia, dân tộc
cùng hướng tới, song gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Cạnh tranh chiến lược
giữa các nước lớn diễn ra gay gắt và phức tạp hơn, chính trị cường quyền và sử
dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng. Bên cạnh xung đột Nga - U-crai-na
tiếp tục kéo dài, nhiều điểm nóng xung đột bùng phát ở Trung Đông. Hợp tác, đấu
tranh tại các diễn đàn đa phương và các tập hợp lực lượng quốc tế đan xen lẫn
nhau ngày càng phức tạp. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến
đổi khí hậu, an ninh con người, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an
ninh mạng nổi lên ngày một gay gắt.
Kinh
tế thế giới tiếp tục phục hồi, song vẫn gặp nhiều trở ngại và bất trắc. Các
liên kết kinh tế, nhất là liên kết khu vực và tiểu khu vực, cùng với quá trình
cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu, định hình các
tiêu chuẩn mới về kinh tế, công nghệ được đẩy mạnh hơn.
Trong bối cảnh quốc tế
đó, công tác đối ngoại của Đảng đến nay đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu
quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn
bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước. Thành tựu đối ngoại cùng với
các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã tiếp thêm niềm tự hào về cơ đồ,
tiềm lực và vị thế mới của đất nước, cũng như góp phần củng cố vững chắc hơn
niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn
của Đảng.
Thời
gian qua công tác đối ngoại của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu
Thành công của các
hoạt động đối ngoại thời gian qua là sự kết tinh trí tuệ và nỗ lực của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cùng các ngành, các cấp và cả hệ thống chính
trị, trong đó có đóng góp của ngành ngoại giao. Ngành ngoại giao đã đoàn kết,
giữ vững bản lĩnh, nỗ lực vượt bậc khắc phục nhiều khó khăn, thử thách để hoàn
thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cùng
với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao
mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng
mở rộng, thực chất và hiệu quả; vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được
khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN,
Liên Hợp Quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên Hợp
Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con
đường… Trước biến động phức tạp của tình hình quốc tế, chúng ta đã xử lý đúng
đắn quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt sách
lược và ứng xử; nhờ đó, vừa thúc đẩy hợp tác để cùng phát triển, vừa bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh tiếp tục đảm nhận
các trọng trách quốc tế, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc
đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như
phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an
ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, lần đầu tiên cử lực lượng hỗ trợ
khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ...
Công
tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí
thư và Chính phủ chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề đối ngoại trước diễn biến phức tạp
của tình hình quốc tế, đề ra phương hướng, giải pháp căn cơ về phát triển quan
hệ với các đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, tiểu vùng sông Mekong, ứng xử trước
các sáng kiến liên kết quốc tế…
Ngoại
giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 15 của Ban Bí
thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Hợp tác
kinh tế, mở rộng thị trường và thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng là
nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao.
Bên cạnh tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã ký, chúng ta đã chủ động,
tích cực tham gia các liên kết kinh tế mới, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác
tiềm năng.
Thông
tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ
công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các
cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ
tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành
viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027... Chúng ta đã kịp thời bảo hộ
hàng trăm ngư dân, đưa về nước an toàn hàng nghìn công dân, nhất là từ các địa
bàn có xung đột, thiên tai như Myanmar, Israel... Đồng bào ta ở nước ngoài có
địa vị pháp lý được bảo đảm, ngày càng ổn định, hội nhập và phát triển, đóng
góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại và có nhiều hoạt động phong phú, góp
phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét