Quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi ra đời năm
1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao trách nhiệm trước đất nước,
dân tộc, nhân dân. Đó là trách nhiệm chính trị cao cả của đội tiền phong lãnh đạo
và trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Trách nhiệm đó càng rõ nét khi cách mạng, đất
nước gặp những khó khăn, thách thức.
Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng
không bao giờ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của mình, mà thẳng thắn và công
khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhận trách nhiệm của
người lãnh đạo, đề ra các giải pháp và quyết tâm sửa chữa. Đó là biểu hiện một
Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính như Bác Hồ đã nhận định.
Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng,
Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiếp tục đẩy mạnh
toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng,
đạo đức, tổ chức và cán bộ, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Kết hợp
chặt chẽ xây dựng Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống suy
thoái, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trên thực tế, trách
nhiệm người đứng đầu đã được thực hiện trong lịch sử và có ảnh hưởng rất sâu
sắc cả trong Đảng và trong nhân dân.
Trách nhiệm đó được
ghi rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “xác định rõ thẩm quyền, trách
nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy,
cơ quan, đơn vị”. Vừa qua, ở địa phương đã có cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc
biệt cấp Trung ương có một số đồng chí lãnh đạo cấp cao qua tự phê bình, thấy
rõ trách nhiệm cá nhân của mình đã xin thôi các chức vụ đang đảm trách. Đó là
biểu hiện tích cực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ thực tiễn lãnh đạo và yêu
cầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho thấy cần thiết phải cụ thể
hóa, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu với những nội dung căn bản.
Trách nhiệm trước hết của người đứng đầu
là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam,
nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, vận dụng sáng tạo để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được
giao theo chức vụ, quyền hạn tương ứng. Đường lối của Đảng kết tinh lợi ích
quốc gia, dân tộc và nhân dân.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự
cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng. Tất cả cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu phải có trách
nhiệm thực hiện. Để hoàn thành tốt nhất trọng trách được phân công, người đứng
đầu cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, nắm vững
đường lối pháp luật, có hiểu biết sâu thực tiễn và có năng lực tổ chức. Kiên
định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
không suy thoái về tư tưởng chính trị.
Bài học không chỉ từ lịch sử mà từ chính
thực tiễn sôi động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện
nay là nghiêm túc tự phê bình và phê bình để từ đó nhận thức đúng đắn trách
nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trách nhiệm đó được
thực hiện tốt sẽ làm cho Đảng mạnh lên; tham nhũng, tiêu cực, suy thoái bị đẩy
lùi; uy tín của Đảng vững chắc trong lòng dân. Hãy giữ gìn uy tín, hình ảnh,
danh dự của người cộng sản như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắn nhủ,
danh dự là điều thiêng liêng nhất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét