Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

NVH40 - Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết

 

Ngày 13-9-2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 61/295: Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa, với 46 điều.


Cụm từ “dân tộc bản địa” được dịch từ văn bản gốc của Liên hợp quốc là Indigenous peoples (dân tộc bản địa hay dân tộc bản xứ). Thuật ngữ “dân tộc bản địa” xuất hiện cùng với quá trình tìm kiếm thị trường, truyền bá tôn giáo và xâm lược thuộc địa từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của các nước tư bản châu Âu đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.


Ví dụ, những người thổ dân ở châu Úc đã sinh sống lâu đời trước khi người Anh xâm lược; những người Mỹ gốc thổ dân thường được gọi là người da đỏ (hay Anh điêng) bởi đó là những người đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Hoa Kỳ trước khi người châu Âu đến chiếm đóng. Khu vực Mỹ Latinh trước kia là lãnh thổ của các bộ lạc da đỏ. Nghị quyết 61/295 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính là đề cập tới các nhóm thổ dân này.


Không phủ nhận rằng, trong lịch sử hình thành các quốc gia - dân tộc, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh, sau mỗi cuộc chiến tranh xâm lược, quá trình di dân từ “chính quốc” đến thuộc địa đã hình thành những quốc gia - dân tộc mới. Ngay từ khi mới hình thành, ở những quốc gia này vẫn luôn tồn tại hai nhóm xã hội: nhóm người di cư và nhóm người bản xứ. Những nhóm xã hội này thường vẫn muốn duy trì phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lối sống riêng của mình. Có thể xem Hoa Kỳ, Canađa và Ôxtrâylia là những ví dụ. Trong những quốc gia này, khái niệm “người bản địa” vẫn tồn tại và còn có những ý nghĩa nhất định.


Sau khi Nghị quyết 61/295 của Liên hợp quốc ra đời, ngày 22-9-2012, tại North Carolina, Hoa Kỳ, ba tổ chức phản động lưu vong là: Hội đồng Dân tộc Thượng, Hội đồng tối cao Campuchia - Krom, Hội đồng phát triển văn hóa xã hội Chămpa đã thống nhất thành lập một liên minh đấu tranh của các dân tộc bản địa Việt Nam với tên gọi là “Hội đồng tối cao các dân tộc bản địa Việt Nam ngày nay” (tên tiếng Anh là The Supreme Council of Indigenous Peoples of Today’s Vietnam, hay SCIP-TVN). SCIP-TVN thể hiện rõ âm mưu qua việc xác định ba mục tiêu chính là: 1) “Kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải công nhận dân tộc Thượng, Campuchia - Krom và Chăm là dân tộc bản địa”; 2) “Yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thực thi những điều khoản nêu trong Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc bản địa mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết”; 3) “Kêu gọi các tổ chức của Liên hợp quốc đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động đấu tranh của SCIP-TVN phù hợp với Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc bản địa của Liên hợp quốc”.


Như vậy, có thể thấy rõ, âm mưu của các tổ chức phản động lưu vong đòi chính phủ Việt Nam công nhận các dân tộc Chăm, Khơme và các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên là “dân tộc bản địa”, không xuất phát từ lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà xuất phát từ mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết của các dân tộc, chia cắt sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.


Ở Việt Nam, vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số” thường bị các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, lôi kéo, kích động ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết của dân tộc - quốc gia” với quyền của “dân tộc - tộc người”.

Các thế lực thù địch thường đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các “quốc gia - dân tộc” (nation-state) với quyền của “dân tộc - tộc người” (ethnic groups) nhằm kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai tự trị trong vùng dân tộc thiểu số, như kích động thành lập “nhà nước Hmông tự trị” ở vùng Tây Bắc, “nhà nước Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên, “nhà nước Khơme - Krom” ở Tây Nam Bộ.


Trong Hiến chương Liên hợp quốc, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc. Khoản 2, Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”.


Ngày 14-12-1960, Đại Hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết số 1514 (XV) thông qua Tuyên bố về “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”, trong đó, tại Điều 2, Nghị quyết khẳng định: “Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết, xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.


Công ước quốc tế về “Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16-12-1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc), Điều 2 quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”.


Như vậy, trên bình diện quốc tế, quyền dân tộc tự quyết là việc một quốc gia - dân tộc có quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền quyết định về thể chế chính trị và con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Dân tộc tự quyết còn thể hiện ở quyền tách ra thành một quốc gia độc lập, hay quyền liên hiệp với dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của dân tộc ấy.


Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận tại Điều 27 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966): “Ở những quốc gia tồn tại các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, những người thuộc các nhóm thiểu số đó sẽ không bị từ chối quyền, trong cộng đồng với các thành viên khác trong nhóm của họ, được hưởng nền văn hóa của họ, tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ, hoặc sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”.


Có thể thấy, chủ thể của quyền dân tộc tự quyết là quốc gia - dân tộc chứ không phải là một dân tộc thiểu số trong quốc gia - dân tộc đó. Pháp luật quốc tế không công nhận một dân tộc thiểu số ở một quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó.


Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số, với tỷ lệ 85,3% dân số; 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số. Điều 4, khoản 2 Nghị định về Công tác dân tộc, quy định: “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; khoản 3 quy định: “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia”; khoản 4 quy định: “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc là nhất quán: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...”.


Hiến pháp năm 2013, Điều 5 quy định: “1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.


Thứ hai, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự khác biệt và phát triển không đồng đều giữa các dân tộc nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kích động tư tưởng ly khai, tự trị.

Ở Việt Nam, các dân tộc - tộc người, mặc dù có nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán khác nhau, cư trú ở Việt Nam vào những thời điểm khác nhau, nhưng các tộc người đều chịu chung sự tác động của hoàn cảnh lịch sử, nên đã sớm có ý thức tự giác chung sống đoàn kết trong một quốc gia, dân tộc. Truyền thống đoàn kết được hình thành dựa trên hai yếu tố cơ bản: chinh phục tự nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm.


Một đặc điểm nổi bật về bức tranh phân bố dân cư của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hình thái cư trú phân tán, xen kẽ làm cho các dân tộc ở Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng. Vì vậy, không có một dân tộc nào ở Việt Nam cư trú tập trung và duy nhất trên một địa bàn. Tình hình cư trú phân tán, xen kẽ của các tộc người gắn liền với quá trình phát triển lâu dài của đất nước.


Trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều thể hiện giữa các vùng, và giữa các tộc người. Sự phát triển không đều này do những nguyên nhân của lịch sử, do điều kiện tự nhiên, không gian sinh tồn, đặc điểm văn hóa truyền thống... Do đó, khắc phục sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các tộc người là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.


Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...