Thời gian gần đây trên một số trang báo
điện tử hải ngoại và các trang mạng của các đối tượng phản động, cực đoan, cơ
hội chính trị, các cá nhân của tổ chức bất hợp pháp lưu vong ở nước ngoài có
một số bài viết sai trái, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và
chính sách tôn giáo ở Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc
Việt Nam, nhất là từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay từ bản
Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
là một trong các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 2013
có nhiều nội dung mới về quyền con người, thể hiện bước tiến mới về tư duy Nhà
nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các
chuẩn mực được nêu trong các Công ước quốc tế về quyền con người.
Tuy nhiên, với mưu đồ đen tối, hòng chia rẽ
khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian gần đây trên
một số trang báo điện tử hải ngoại và các trang mạng của các đối tượng phản động,
cực đoan, cơ hội chính trị, các cá nhân của tổ chức bất hợp pháp lưu vong ở
nước ngoài có một số bài viết sai trái, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tự do
tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Mới đây, lợi dụng việc Ban Tôn giáo
Chính phủ biên soạn, xuất bản và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công
bố ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, các thế lực
thù địch đã có các bài viết xuyên tạc, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan về
cuốn sách. Chúng dã tâm cho rằng, việc cho ra đời cuốn sách này là “bức bình
phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam; là cách chống chế việc bị
Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”.
Cần phải hiểu rằng,
việc Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa Việt Nam vào “Danh sách quốc gia cần theo
dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” và cái gọi là “những vi phạm nghiêm trọng quyền
tự do tôn giáo” hay “Danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin” mà Ủy Ban
Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) rêu rao, bản chất là việc một số chức sắc,
tín đồ tôn giáo ở một số địa phương thời gian vừa qua đã lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà
nước; tuyên truyền đạo trái phép; lôi kéo, tập hợp lực lượng xâm phạm an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương bị các cơ quan chức năng bắt
giữ, xử lý. Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, mọi hoạt động tôn
giáo ở Việt Nam đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, không tôn giáo nào
được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc, điều này hoàn
toàn phù hợp với tinh thần luật pháp quốc tế. Do vậy, bất kỳ ai lợi dụng tôn
giáo xâm phạm trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại quyền và lợi ích hợp pháp
của Nhà nước và công dân đều phải xử lý nghiêm.
Cũng như các quốc
gia khác, việc Việt Nam ra mắt Sách trắng Tôn giáo là nhằm thông tin chính xác
về tình hình tôn giáo ở nước ta để cộng đồng quốc tế và các tầng lớp nhân dân
có đánh giá khách quan, đầy đủ, chính xác về thực tiễn tình hình đất nước nói
chung, về tôn giáo nói riêng; khẳng định sự nhất quán, xuyên suốt quan điểm,
chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo cho mọi người; kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, hoạt
động lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sách
trắng Tôn giáo là tiếng nói của dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam; là địa
chỉ tin cậy để mọi người khai thác, định hướng tư tưởng và hành động, để quán
triệt và thực hiện đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về tôn giáo. Đây là kênh thông tin chính thống nhằm vạch trần, phản bác các
thông tin, luận điệu sai trái, phản động của kẻ địch về tình hình tôn giáo ở
Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện
tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết
khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại
đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”. Hiến pháp năm
2013 đã nhấn mạnh: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước
tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự
do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp
luật” (Điều 24); “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy
định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14); nghiêm cấm
“xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi
phạm pháp luật” (Khoản 3, Điều 24); điều này hoàn toàn tương thích với luật
pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, ngày
18/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Chính phủ
ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; đó là cơ sở pháp
lý quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo hiện hành, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, tạo cơ chế pháp lý
thông thoáng, minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trên lĩnh vực
này; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào công việc nội bộ của các
tổ chức tôn giáo; góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân trên thực tế.
Với các chủ trương,
chính sách, pháp luật đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua, Việt Nam
đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân. Đến nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo,
hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự, cùng hàng
nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn
giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hằng năm, ở
nước ta có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức long trọng
trên toàn quốc, trong đó các lễ hội tôn giáo quốc tế lớn như: Đại lễ Phật đản
Liên hợp quốc VESAK, Đại hội Giới trẻ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng… Mọi
sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân, kể cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại
Việt Nam đều được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, các tôn giáo
chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột
sắc tộc, xung đột tôn giáo; đồng bào các tôn giáo thực sự trở thành lực lượng
quan trọng hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; gắn bó, đồng hành cùng
dân tộc; tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những
năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và hoàn thành tốt vai trò của mình trong
cộng đồng quốc tế, đồng thời thực hiện đầy đủ các khuyến nghị Việt Nam chấp
thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 3
của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đặc biệt, việc Việt Nam 2 lần trúng cử
vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025) với số
phiếu cao là bằng chứng sinh động nhất khẳng định mạnh mẽ nỗ lực và thành tựu
của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người trong đó có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, hiện nay
vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như: Hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mặc
dù từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ; hoạt động lợi dụng sự phát
triển của khoa học – công nghệ truyền bá những hiện tượng tôn giáo mới trái
thuần phong mỹ tục, trái luật pháp của Việt Nam diễn biến phức tạp; hoạt động
tôn giáo trên không gian mạng gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước về tôn
giáo; còn một số đối tượng trong và ngoài nước nhận định thiếu khách quan, sai
lệch, thậm chí xuyên tạc về tình hình tôn giáo của Việt Nam.
Với tinh thần đối
thoại cởi mở, hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả với các nước, các tổ
chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ
quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của
người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét