Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

NVA42 - KHÔNG THỎA HIỆP VỚI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

            Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cho một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thôi tham gia Trung ương và thôi giữ các chức vụ lãnh đạo. Bên cạnh luồng ý kiến chủ đạo đánh giá cao và bày tỏ niềm tin vào cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, trong xã hội cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc xử lý triệt để như vừa qua sẽ tạo ra “khoảng trống” về cán bộ chiến lược, nguy cơ bất ổn chính trị... Vậy phía sau những quan ngại này thực chất là gì

            Có phải Việt Nam đang bất ổn về chính trị?

            Ổn định chế độ chính trị là một hình thái đặc biệt của vận động xã hội - sự vận động trong trật tự, kỷ cương, bảo đảm các cấu trúc, chức năng cấu thành bản chất chế độ chính trị được giữ vững, không dẫn tới rối loạn, bất ổn. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự ổn định chính trị được nhìn nhận trên các phương diện: ổn định về đường lối lãnh đạo của Đảng và sự ổn định về tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

            Sự thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua ở một khía cạnh nào đó gây nên sự xáo trộn nhất định nhưng tuyệt nhiên, đây không phải là sự bất ổn chính trị. Trên tất cả các khía cạnh, cả về đường lối, cả về bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua đều không có bất kỳ sự thay đổi nào trước biến động nhân sự cấp cao vừa qua.

            Về mặt chính trị, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội. Các nguyên tắc cơ bản như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được duy trì và là nền tảng trong mọi quyết định chiến lược.

            Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam vẫn tiếp tục hướng tới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo. Việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu công nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục là các mục tiêu dài hạn.

            Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

            Những điều này có thể thấy đầy đủ trong phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các sự kiện chính trị quan trọng. Tại Hội nghị Trung ương 9 cho ý kiến vào đề cương các văn kiện trình đại hội XIV của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu “dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được “quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

            Trước đó, tại cuộc họp lần thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải kiên định các nguyên tắc: “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

            Như vậy, tuy nhân sự ở cấp cao có sự thay đổi, nhưng đường lối, các giá trị và chiến lược được xác định từ trong cương lĩnh chính trị, trong nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng vẫn được giữ vững. Đảm bảo độc lập, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là định hướng quan trọng trong tiến trình phát triển của nước ta.

            Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Quá trình này thể hiện ở các khía cạnh quan trọng sau:

            Về cải cách hành chính: Việt Nam đã, đang tiến hành cải cách hành chính toàn diện, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đến cải thiện chất lượng dịch vụ công. Mục tiêu là giảm bớt phiền hà, thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

            Về tinh gọn bộ máy: Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ tiêu chí. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có 49 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.243 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sáp nhập để giảm 13 huyện, 624 xã. Việc sáp nhập các đơn vị trùng chức năng nhiệm vụ bên trong các cơ quan hành chính cũng đang được các bộ ngành địa phương tiến hành. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cũng đang được đẩy mạnh.

            Về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng và được coi là yếu tố then chốt. Theo đó, không chỉ tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ mà còn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ nhân dân.

            Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

            Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Công tác này cũng đang được các cấp, các ngành triển khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua đổi mới các khâu ban hành các chỉ thị, nghị quyết đến việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

            Trước những thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua, về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn không có biến động và tiếp tục được hoàn thiện theo các chủ trương có từ trước.

            Có thể khẳng định, cả về đường lối chính trị, cả về tổ chức bộ máy, Việt Nam đều không có gì thay đổi. Nền chính trị ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục ổn định trước những thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua. Vậy thực chất quan điểm cho rằng ở các cơ quan trong hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ không còn ai làm nếu tiếp tục xử lý cán bộ sai phạm và Việt Nam đang bất ổn về chính trị là gì? Phải chăng đó là âm mưu nhằm gây hoang mang trong xã hội? Cần nhận diện, hiểu điều này thế nào?

            Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch

            Trước khi xem xét, bản chất của quan điểm cho rằng ở các cơ quan trong hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ không còn ai làm nếu tiếp tục xử lý cán bộ sai phạm, xin đề cập tới những kết quả công tác phòng tham nhũng xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua.

            Theo Ban Nội chính chính Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và đạt đựợc nhiều kết quả toàn diện, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

            Riêng năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên; trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Cũng năm 2023, Đảng, Nhà nước đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng từ ngày 20/3 đến 19/5/2024, lần đầu tiên có tới 3 cán bộ là chủ chốt của Đảng, Nhà nước, và Quốc hội đã phải thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng do vi phạm những điều đảng viên không được làm. Trên cơ sở quyết định của Trung ương, Quốc hội cũng thực hiện các thủ tục cho các cán bộ này thôi giữa các chức vụ là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và cho thôi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Đây là những điều chưa có trong lịch sử Đảng lãnh đạo cách mạng.

            Những con số nêu trên là minh chứng Đảng nói là làm, không có chuyện chỉ “tắm từ vai” trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Nhưng từ lúc niềm tin được nâng lên cũng là lúc sự quyết liệt ngày một chạm gần hơn đến một số nhóm lợi ích tiêu cực. Từ đây, ngày càng xuất hiện tâm lý muốn trì hoãn, ngăn chặn cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, dưới dạng khuyến nghị xã hội cho rằng xử lý cán bộ sai phạm như vậy sẽ không còn ai làm việc, bởi sai là do thể chế, cùng vận hành trong thể chế thì ai cũng sai phạm; rồi xử lý thay đổi cán bộ liên tục là biểu hiện của mất ổn định chính trị, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, đến môi trường đầu tư, đến sự phát triển của đất nước. Lý do này kích động hình thành trong xã hội tâm lý thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực, và tiến tới kêu gọi dừng hoặc bẻ lái cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đi theo một hướng khác.

            Không khó để có thể nhận diện ý định của các đề xuất trên. Cần phải nhận thức rằng, bất kỳ sự đồng ý thỏa hiệp nào với tham nhũng, tiêu cực lúc này đều là sai lầm. Đồng ý dù thể chế có thể còn một số hạn chế cần khắc phục, nhưng nguyên nhân chính của sai phạm thường nằm ở ý thức và hành vi của từng cá nhân cán bộ. Việc vi phạm pháp luật, hoặc lạm dụng quyền lực là do đạo đức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ không tốt, chứ không hoàn toàn do thể chế.

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...