Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

NVI42 - BẢO VỆ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA ĐẢNG

 

Ngày 28/9/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài "Chẳng cần gì, chi cần đường”, nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng đường giao thông cho đồng bào dân tộc miền núi, không quan tâm chăm lo phát triển kinh tế cho người dân miền núi; qua đó kích động, xuyên tạc cho rằng: Dân không phá rừng thì dân đói, mà phá rừng thì dân chết; người dân miền núi chả cần gì, chỉ cần đường. Đây là luận điệu xuyên tạc chống phá vô căn cứ, phi lý và hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch.

Thời gian qua, cụ thể hóa đường lối của Đảng, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được ban hành. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu nêu ra tại Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung giải quyết triệt để những khó khăn cho vùng đồng bào DTTS để các chính sách phát triển kinh tế - xã hội thật sự đi vào cuộc sống.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc DTTS và miền núi luôn là một nhiệm vụ mang tính chiến lược. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". Đây được xem là kim chỉ nam để khai thông các chương trình trình mục tiêu quốc gia đi vào hiệu quả, thực chất đối với đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỉ lệ nghèo từ 4-5%/năm).

Với việc tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, đường, trường, trạm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đường bê tông đã được xây dựng về đến hầu hết trung tâm xã vùng cao; các công trình thủy lợi, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây mới, tu sửa; thông tin liên lạc, mạng in-tơ-nét, mạng viễn thông di động được phủ sóng rộng rãi đến từng thôn, bản vùng đồng bào DTTS. Tính đến năm 2023, 100% xã miền núi, vùng đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia; trên 98% xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng; hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân; mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp vùng đồng bào DTTS với tỉ lệ phủ sóng mạng di động băng rộng 4G đạt 99,8% tổng dân số.

Điển hình như tỉnh Sơn La, đến năm 2023, đã đầu tư xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ; 97,55% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 78,49% bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học, trạm y tế xây dựng kiên cố...

Y tế, giáo dục vùng đồng bào DTTS được quan tâm, đầu tư trên cả nước. Đến nay số xã có trạm y tế là 99,4%, trong đó có khoảng 60% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 96,12% người DTTS sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Toàn quốc hiện có 320 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với 105.818 học sinh; 1.134 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với 250.795 học sinh; tỉ lệ học sinh DTTS trong độ tuổi tới lớp tăng, số học sinh DTTS bỏ học giảm.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, vẫn còn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS còn thấp, tỉ lệ đói nghèo ở một số vùng sâu, vùng xa còn cao… Cùng với đó, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, lao động qua đào tạo thấp; vẫn còn tình trạng một bộ phận dân cư mù chữ hoặc tái mù chữ. Bản sắc văn hóa của một số dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, bị đồng hóa. Các vấn đề xã hội mới nảy sinh như: lao động, việc làm và dịch chuyển lao động ra đô thị; lao động xuyên biên giới; hôn nhân qua biên giới, các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, mua bán người…diễn biến ngày càng phức tạp, đặt ra nhiều nhiệm vụ cần giải quyết về kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...