Với vai trò
là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn chú trọng đến việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng,
trong đó có tự phê bình và phê bình. Người
nhấn mạnh đến tầm quan trọng bản lĩnh của
Đảng và phẩm chất của người cán bộ, đảng viên
trong việc thực hiện tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh, “Chỉ khi không
ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận thức rõ đúng sai, phát huy cái
đúng và khắc phục cái sai, ta mới có thể tiến bộ, cả bản thân, Đảng và sự nghiệp
cách mạng”. Người cũng khẳng định rằng chỉ những đảng cách mạng
chân chính và chính quyền dân chủ mới dám thực hiện tự phê bình, đón nhận phê
bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Đây chính là những phẩm chất của Đảng
Cộng sản Việt Nam
Trong giai đoạn
đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục yêu cầu các đảng viên thực hiện tốt
nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên phải nhận thức rõ ràng về
trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của mình, không ngừng phấn đấu và rèn luyện,
từ phẩm chất chính trị đến đạo đức và lối sống. Cần luôn tự phê bình và phê
bình, đồng thời gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh.
Việc thực hiện
tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình luôn đòi hỏi bản lĩnh của Đảng và đội
ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng cán bộ, đảng viên phải đủ
bản lĩnh để thừa nhận khuyết điểm, chấp nhận phê bình và sửa chữa sai lầm.
Trong bài viết “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” năm 1949 trên Báo Sự Thật,
Người khẳng định: “Cán bộ nào không dám công khai nhận khuyết điểm, sợ phê bình
từ đồng sự và nhân dân, không có can đảm sửa chữa thì không xứng đáng là cán bộ.”
Người cũng phê phán những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, không đủ dũng cảm để
sửa sai. Với những người này, Hồ Chí Minh cho rằng Đảng phải cứng rắn, kiên quyết
mời ra khỏi hàng ngũ để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.
Những quan điểm
này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và vận dụng
vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới. Tại Nghị quyết Trung
ương năm lần thứ XIII, Đảng đã chỉ ra những hạn chế trong nội
bộ, bao gồm một bộ phận đảng viên yếu kém về năng lực và trách nhiệm, thiếu bản
lĩnh chính trị, phê bình và tự phê bình yếu, suy thoái về tư tưởng chính trị và
đạo đức lối sống. Đảng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tích cực để khắc phục
những vấn đề này, đảm bảo Đảng tiếp tục vững mạnh và giữ vững vai trò lãnh đạo
cách mạng Việt Nam.
Theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh, mục tiêu của tự phê bình và phê bình là học tập từ cái tốt, tránh
xa cái xấu, nhằm “trị bệnh cứu người”. Đó là sự giúp đỡ lẫn nhau để tiến bộ, làm cho Đảng và
cán bộ, đảng viên trở nên trong sạch, vững mạnh hơn. Do đó, tự phê bình và phê
bình cần phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, giống như việc rửa mặt hằng
ngày. Người nhắc nhở rằng phê bình cần phải chân thành, công bằng và tránh
mỉa mai, cay đắng, hoặc công kích cá nhân. Phê bình cần tập trung vào hành động,
không phải vào con người.
Để thực hiện
tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần sự đồng lòng từ các tổ chức đảng,
cán bộ, đảng viên và sự tham gia của nhân dân. Đảng cần có những chủ trương và
biện pháp phù hợp để phát huy vai trò của các tổ chức đảng từ trung ương đến cơ
sở, trong đó có vai trò chủ động của các chi bộ trong thực hiện tự phê bình và
phê bình. Cán bộ, đảng viên cần tự giác rèn luyện, tránh xa các biểu hiện suy
thoái về tư tưởng mà Đảng đã chỉ ra. Việc
thực hiện tốt các chủ trương như “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân,
từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét