Trong một hội nghị mới
đây, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, đó là hiện nay có lãnh đạo
sở và cán bộ chủ trì một số lĩnh vực của thành phố khi được hỏi về nhiệm vụ của
ngành mình, cơ quan mình thì báo cáo là không nắm được, vì “đã giao cho cấp phó
phụ trách”. Vấn đề này khiến dư luận quan tâm, bàn luận. Có hai lý do cơ bản để
giải thích cho hiện tượng này: Thứ nhất, cán bộ có hạn chế về năng lực thực tiễn
trong xử lý và giải quyết công việc ở vai trò lãnh đạo, quản lý; thứ hai, cán bộ
thiếu trách nhiệm, thờ ơ, đùn đẩy, né tránh, tranh công đổ lỗi.
Cán bộ lãnh đạo cần tầm
vượt thoát
Trong thực tế hiện nay,
cán bộ rơi vào tình trạng như nêu ở trên đang xuất hiện ở khá nhiều ngành, nhiều
cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, thế nên một số người đã nói đùa rằng, những lãnh đạo
ấy chẳng khác gì “chuyên viên nhận thêm phụ cấp lãnh đạo”. Những cán bộ lãnh đạo
trưởng thành từ chuyên môn nhưng lại thiếu tư duy, trình độ quản lý, chỉ huy sẽ
dẫn đến hiện tượng làm lãnh đạo nhưng vẫn với tư duy cũ, sa đà vào một số lĩnh
vực mà mình giỏi, bỏ qua những lĩnh vực mà mình không giỏi và “giao phó” cho
người khác, nhất là đối với những việc khó, việc phức tạp.
Thực tế là, công việc của
người lãnh đạo đòi hỏi một năng lực hoàn toàn khác với người làm chuyên môn
sâu, nhất là về tư duy tham mưu, chỉ đạo. Họ cần phải có tư duy bao quát, toàn
diện, nhưng cũng lại phải cụ thể, tỉ mỉ, vì vậy, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ
trì cần phải có tầm vượt thoát khỏi tư duy của chuyên môn, như vậy mới có thể
làm thay đổi mang tính đột phá ở đơn vị mình, ngành mình.
Trong hầu hết quy định
phân công nhiệm vụ trong bộ máy lãnh đạo quản lý các cấp, người đứng đầu bao giờ
cũng là người chịu trách nhiệm chung về lĩnh vực được giao, đồng thời sẽ đảm
nhiệm trực tiếp một số nhóm nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, một nguyên tắc bắt
buộc đối với cán bộ lãnh đạo là khi đã nhận nhiệm vụ thì phải hiểu sâu và bao
quát được toàn bộ lĩnh vực mà ngành mình, đơn vị mình phụ trách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét