Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

NVH42 - BẢO VỆ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRƯỚC ÂM MƯU CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN NAY

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề văn hóa, Người căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Người cũng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó cho thấy văn hóa chính là một mặt trận quan trọng, một nhân tố sống còn không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo những giá trị tinh thần to lớn trong sự phát triển bền vững của đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân. Ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển. “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một định hướng quan trọng để đất nước ta hiện thực hóa những chủ trương, đường lối, mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức”. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa; những “viên đạn bọc đường”, “làn sóng điện” đang thay thế thanh gươm, và cây bút chính là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người. Việc gieo rắc những âm mưu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch không hề dừng lại mà có phần nguy hiểm và phức tạp hơn, tấn công vào văn hóa được chúng xác định là “mũi nhọn” của “sự đột phá”, “thọc sâu” làm tan rã ý chí, niềm tin của nhân dân, gây hỗn loạn về tư tưởng và lý luận, dần dần tạo ra “khoảng trống” nhằm đưa hệ tư tưởng tư sản thống trị ở nước ta, đồng thời truyền bá những văn hóa phẩm, xấu độc làm yếu mềm nhân dân ta, mất tinh thần chiến đấu và đặc biệt nguy hiểm hơn là làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên xa rời chân lý cách mạng, xa rời hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới sa sút về ý chí, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống và dần dẫn tới chống đối chế độ, phản bội Đảng.

Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng đa dạng nhiều hình thức khác nhau ngày đêm điên cuồng xuyên tạc và tán phát trên mạng xã hội nhiều nội dung phản động vào Việt Nam. Lợi dụng các diễn đàn công khai, chúng ráo riết tuyên truyền tự do, dân chủ, nhân quyền theo kiểu tư sản; tuyên truyền quan điểm cá nhân ích kỷ cực đoan, xuyên tạc chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, tung ra luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để tạo cớ can thiệp vào nước khác; chỉ đạo các phần tử cơ hội, bất mãn chế độ viết bài sai sự thật, lật lại lịch sử hoặc bóp méo, vu khống những nội dung đã được công bố là không có căn cứ chủ động xâm nhập vào ta thông qua đối thoại, thỏa hiệp dưới nhiều hình thức để đánh ta từ trong đánh ra, làm cho ta “tự chuyển hóa” và “tự sụp đổ”.

Thời gian qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã luôn nêu cao tinh thần xây dựng nền văn hóa, lối sống tốt đẹp, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nếp sống văn hóa. Các tổ chức, lực lượng, cá nhân không ngừng thực hiện tốt các giải pháp để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tự giác trong xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa. Cùng với đó, công tác đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch về văn hóa ngày càng được tăng cường, nhận thức về văn hóa của các tổ chức, lực lượng càng được nâng cao, có sự hiểu biết toàn diện và đầy đủ hơn; công tác đấu tranh ngày càng sâu sắc, nhạy bén và có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng và bảo vệ nền văn hóa của Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn trong bảo vệ nền văn hóa. Nhận thức của một số ít cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về văn hóa chưa thực sự sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị. Có lúc, có nơi, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về văn hóa có phần bị xem nhẹ, văn hóa trong xây dựng con người còn thiếu tính định hướng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, văn hóa nặng về văn hóa giải trí, thiếu chiều sâu, nội dung kém phong phú.

Nhiệm vụ trước hết cần tiếp tục kiên định với chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xác định hợp lý, khoa học các đặc trưng văn hóa Việt Nam, đặc tính con người Việt Nam; có sự bổ sung, chỉnh lý phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.

Thứ hai, không ngừng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường của các thế hệ. Bồi đắp hơn nữa tình yêu thương con người, sức mạnh đoàn kết và tinh thần cống hiến cho dân tộc. Chú trọng giáo dục tuyên truyền tinh thần cách mạng đối với thế hệ thanh niên.

Thứ ba, đưa văn hóa truyền thống tốt đẹp vào sâu hơn nữa cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân nhất là tầng lớp nhân dân lao động, nâng cao chất lượng ứng xử có văn hóa của đại bộ phận nhân dân. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về mức sống của các đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ “then chốt”, thường xuyên cập nhật, bổ sung, phát hiện những vấn đề mới về lý luận, vận dụng phù hợp trong bối cảnh mới. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xóa bỏ hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu. Chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện phai nhạt lý tưởng, duy ý chí đề cao văn hóa hưởng thụ, văn hóa giải trí. Tổ chức các phong trào quần chúng đặc biệt là phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ năm, cần tiếp tục phát huy vai trò của các chủ thể sáng tạo là nhân dân, nòng cốt là đội ngũ các văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước. Nâng cao công tác định hướng đối với các tác phẩm, bài viết các loại hình nghệ thuật mới bảm đảm tính phù hợp đối với thuần phong, mỹ tục và đáp ứng yêu cầu cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong suốt quá trình đổi mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...