Thời gian qua, cụ thể hóa đường lối của
Đảng, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành. Bên cạnh việc huy động các nguồn
lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi,
nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…, việc triển khai đồng bộ các chính sách
hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận
về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền
vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng
đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số và miền núi luôn là một nhiệm vụ mang tính chiến lược. Đại hội
XIII của Đảng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện
tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc
thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển
khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". Đây được xem là kim chỉ
nam để khai thông các chương trình trình mục tiêu quốc gia đi vào hiệu quả,
thực chất đối với đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã giảm tỉ lệ hộ
nghèo bình quân 1-1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm (riêng các
huyện nghèo, giảm tỉ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
Với việc tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông,
điện, đường, trường, trạm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đường bê tông đã được xây
dựng về đến hầu hết trung tâm xã vùng cao; các công trình thủy lợi, điện lưới
quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây mới, tu sửa; thông tin
liên lạc, mạng in-tơ-nét, mạng viễn thông di động được phủ sóng rộng rãi đến
từng thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến năm 2023, 100% xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia; trên 98% xã có điểm liên lạc điện thoại
công cộng; hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân; mạng
điện thoại di động đã phủ sóng khắp vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tỉ lệ phủ sóng mạng di động băng rộng 4G đạt 99,8% tổng dân
số.
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, vẫn còn
khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; tốc độ phát triển kinh tế - xã hội
của vùng đồng bào dân
tộc thiểu số còn thấp, tỉ lệ đói nghèo ở
một số vùng sâu, vùng xa còn cao… Cùng với đó, trình độ nguồn nhân lực còn hạn
chế, lao động qua đào tạo thấp; vẫn còn tình trạng một bộ phận dân cư mù chữ
hoặc tái mù chữ. Bản sắc văn hóa của một số dân tộc đứng trước nguy cơ mai một,
bị đồng hóa. Các vấn đề xã hội mới nảy sinh như: lao động, việc làm và dịch
chuyển lao động ra đô thị; lao động xuyên biên giới; hôn nhân qua biên giới,
các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, mua bán người…diễn biến ngày càng phức tạp,
đặt ra nhiều nhiệm vụ cần giải quyết về kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào
dân tộc.
Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào trong thời gian tới, nhất là xây dựng các chính sách đặc thù giải
quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số,
cần thực hiện thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp
tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê
duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là giải pháp quan trọng, mang tính bao trùm với
mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong
vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới sáng tạo,
đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền
vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với
bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch,
sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện
giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.
Thứ hai, cần
có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm cho các địa
phương miền núi, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội khó khăn. Trong những năm qua, các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, tuy
nhiên vẫn còn là khu vực nhiều khó khăn nhất. Để tạo động lực phát triển kinh
tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi, Quốc hội, Chính
phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù trong đầu
tư, phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm cho khu vực này; cần xem xét đến những
đặc điểm khó khăn, đặc thù của miền núi dân tộc thiểu số,
như: địa hình phức tạp, chia cắt, hạ tầng thấp kém… Đồng thời, Nhà nước cần đầu
tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối giữa các khu vực miền núi, để tạo kết
nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, kinh tế cửa
khẩu, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, trong phân bổ vốn đầu tư
công, cần ưu tiên hơn cho các địa phương khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ ba, tập
trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói, giảm
nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chú trọng công tác văn hóa, khai thác và phát huy những điểm thuận lợi, tích
cực trong phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc phục vụ cho mục đích
phát triển. Đây là giải pháp trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu
vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất nông, lâm
nghiệp, chuyển đổi lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhằm bảo đảm sinh kế
và thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo. Xây dựng chính sách ưu tiên bảo
vệ và bảo đảm việc làm đối với nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, nhất
là đối với lao động là người dân
tộc thiểu số ở nông thôn, lao động di cư tự
do làm theo vụ việc, thời vụ tại các vùng đô thị, các vùng kinh tế phát triển
nhằm tăng cường tính bền vững việc làm.
Thứ tư, chú
trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh, phát huy nguồn lực tại chỗ trong phát
triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cấp ủy, tổ chức đảng cùng
với hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc, nhất là cán bộ tại
chỗ. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, công tác thông tin, tuyên truyền;
kết hợp công tác vận động quần chúng với công tác nghiệp vụ của lực lượng vũ
trang, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng vũ trang với mặt trận Tổ quốc
và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân
và an ninh nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với khu vực biên giới, nơi có đông đồng bào có mối quan hệ
đồng tộc, đồng tôn với đồng bào các nước bạn, chính quyền địa phương và lực
lượng an ninh cần nắm chắc tình hình, quản lý tốt việc đi lại làm ăn, thăm
thân, hôn nhân và quản lý lao động qua biên giới. Tăng cường công tác phát
hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, lao động trái
phép qua biên giới; trấn áp các loại tội phạm như buôn bán ma túy, mua bán
người, xâm phạm an ninh biên giới…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét