Vừa qua, Bộ
Công an đã ban hành Thông tư số 46/2024/TT-BCA ngày
30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
67/2019/BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện
dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, sửa đổi, bổ
sung Điều 11 Hình thức giám sát của nhân dân.
Cụ thể, theo Thông tư số
46/2024/TT-BCA, nhân dân được giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực
lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám
sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với
các bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông.
Như vậy, so với Thông tư số
67/2019/BCA, Thông tư số 46/2024/TT-BCA đã không quy định
hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Ngay thời điểm sau đó không lâu,
ngày 09/10/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài "Quy định dân không được giám sát CSGT bằng cách ghi
âm, ghi hình có trái Hiến pháp?", nội dung xuyên
tạc, vu khống Thông tư mới của Bộ Công an quy định người dân không được giám
sát CSGT bằng cách ghi âm, ghi hình là trái với Hiến pháp, thể hiện “sự lạm quyền",
cho rằng: Dân mà phản kháng sẽ bị bắt, nhốt theo - đúng quy trình để bịt miệng,
không cho tiếng nói dân chủ; kích động, xuyên tạc Việt Nam đang trong thời kỳ
“Công an trị", việc cấm người dân giám sát CSGT bằng hình thức quay phim,
chụp hình dễ dẫn đến một xã hội bất ổn về phương diện an toàn giao thông.
Cần khẳng định rằng, Thông tư số
67/2019/TT-BCA, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020 là cơ sở pháp lý quan
trọng để thực hiện công tác dân chủ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, trong
thực tế đã phát sinh một số vấn đề như:
Việc giám sát của một số người dân
đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Nhiều trường
hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc
của cán bộ, chiến sỹ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối,
gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông,
làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông. Khi những hình ảnh
đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng,
tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến
sỹ thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối
đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức
tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư số 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là việc không quy định hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Do đó, quan điểm xuyên tạc, vu khống
cho rằng Thông tư mới của Bộ Công an quy định người dân không được giám sát
CSGT bằng cách ghi âm, ghi hình là trái với Hiến pháp, thể hiện “sự lạm quyền"
là quan điểm không đúng đắn. Bởi vì ngoài những lý do đã nêu ở trên,
chúng ta thấy rằng trong Thông tư vẫn quy định rất rõ nhân dân được giám
sát thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng
Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; Qua các chủ thể giám sát
theo quy định của pháp luật; Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ,
chiến sĩ; Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh; Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc
giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến
hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; Không được vào khu vực
thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; Tuân thủ các quy định
pháp luật khác có liên quan. Qua đó cho thấy, quyền giám sát của nhân dân
vẫn được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và phát huy một
cách bình thường trong thực tế, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận
lợi cho lực lượng CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét