Ngày 29/6/2006, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa
XI đã thông qua Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2007 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012
của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Luật Luật sư). Sau hơn 17 năm thực hiện, Luật
Luật sư đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ
chức và hoạt động của luật sư phát triển. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc
lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề Luật sư.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình đề nghị
xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của
Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc
hội) nhằm hoàn thiện một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát
triển của nghề Luật sư. Đồng thời, cũng phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ
luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam,
các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính…
Những điểm mới trong dự kiến đề cương Luật Luật sư
Thứ nhất, quy định tất cả các trường hợp Luật
sư thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí phải ký hợp đồng dịch vụ pháp
lý. Nội dung này được quy định tại Điều 5. Dịch vụ pháp lý là dịch vụ đặc thù
liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, uy
tín của công dân. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư thuộc
nhóm hoạt động bổ trợ Tư pháp nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý,
bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,
công bằng, văn minh. Chính vì tầm quan trọng của hoạt động dịch vụ pháp lý ảnh
hưởng trực tiếp tới các quyền của con người nên việc bắt buộc ký hợp đồng dịch
vụ pháp lý nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động đặc biệt
này. Trong dự thảo Luật Luật sư bộ tư phải đưa vào Điều 5 với nội dung trên là
phù hợp giúp việc quản lý nhà nước về hoạt động luật sự một cách hiệu quả đồng
thời góp phần ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của đội ngũ Luật sư.
Thứ hai, đối với những người được miễn, giảm
đào tạo nghề Luật sư. Tại dự thảo đã rà soát để bổ sung một số đối tượng được
giảm thời gian đào tạo nghề Luật sư (chấp hành viên thanh tra viên trong lĩnh vực
pháp luật, trợ giúp viên pháp lý); nâng cao điều kiện được miễn đào tạo nghề Luật
sư nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn trở thành Luật sư theo hướng, những người
nguyên là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên… muốn trở thành Luật sư phải
có thời gian giữ chức danh nêu trên ít nhất 01 nhiệm kỳ (05 năm) và phải qua thời
gian đào tạo nghề Luật sư từ 03-06 tháng.
Nghề Luật sư là một nghề đặc thù, làm việc và
có thể va chạm với những người có địa vị trong xã hội, công việc của Luật sư có
thể ảnh hưởng tới “số phận” của con người, doanh nghiệp. Luật sư có nghĩa vụ bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ nhưng luôn phải tôn trọng công lý, lẽ
công bằng. Luật sư không chỉ là nghề nghiệp để sống mà còn là sứ mệnh để
giúp đỡ những thân phận yếu thế trong xã hội.
Chính vì vậy, Luật sư ngoài việc có kỹ năng
chuyên môn, nghiệp vụ còn phải am hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội và Luật sư phải có những kỹ năng mềm như biết lắng
nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hiểu về tâm lý, cách sống, phong tục tập quán của mỗi
vùng miền khác nhau.
Ngoài kiến thức chuyên môn thì Luật sư có Bộ
quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư khá đặc trưng và khác so với những
ngành nghề khác như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo
sư chuyên ngành luật và tiến sĩ luật …
Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Giáo
sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật và Tiến sĩ luật… có thể am hiểu pháp luật, giải
quyết vụ việc trên cơ sở pháp luật nhưng để hành nghề Luật sư thì còn nhiều yếu
tố như đã phân tích ở trên. Vì vậy, có thể xem xét giảm thời gian đào tạo và tập
sự hành nghề Luật sư cho họ nhưng không nên miễn việc đào tạo và tập sự.
Thứ ba, mở rộng và quy định cụ thể hơn về các
công việc Luật sư tập sự được làm (được thực hiện tư vấn pháp luật; tham
gia tố tụng cấp huyện) tại Điều 14.
Luật Luật sư hiện hành đã quy định theo hướng
thu hẹp nhiều các hoạt động mà người tập sự hành nghề Luật sư được thực hiện so
với Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987, Pháp lệnh Luật sư năm 2001.
Hiện nay, quy định về người tập sự hành nghề
Luật sư được quy định trong Luật Luật sư và Thông tư 10/2021/TT-BTP. Tuy nhiên,
người tập sự hành nghề Luật sư lại không phải là chủ thể tham gia tố tụng theo
quy định trong các luật tố tụng hiện hành nên dẫn đến chưa có sự đồng bộ trong
quy định của các văn bản pháp luật. Hiện nay, theo khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư
quy định: “Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt
động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”. Quy
định này của luật hiện hành được nhiều người ví như việc đi học bơi nhưng lại
không được cho xuống nước, trong khi đây lại là những kỹ năng chính và cần thiết
phải được người tập sự hành nghề Luật sư thực hành liên tục trong thực tế. Chỉ
khi được tiếp xúc với các hoạt động tố tụng ngay từ đầu mới giúp cho người tập
sự Luật sư hay Luật sư tập sự nắm bắt được các kỹ năng cần thiết và tránh việc
bị bỡ ngỡ khi trở thành Luật sư chính thức.
Dự thảo Tờ trình mở rộng và quy định cụ thể
hơn về các công việc Luật sư tập sự được làm như được tư vấn pháp luật; tham
gia tố tụng cấp huyện là phù hợp với ý nghĩa của hoạt động tập sự hành nghề Luật
sư. Bởi lẽ, thực tế cho thấy trong một số vụ việc dân sự đơn giản, khách hàng vẫn
tin tưởng và đồng ý với Luật sư hướng dẫn là để người tập sự đại diện cho mình
tại phiên tòa để giúp giảm chi phí thù lao Luật sư, đồng thời. Xét về khía cạnh
ý chí và lợi ích thiết thực thì cả tổ chức hành nghề Luật sư nơi tập sự, Luật
sư hướng dẫn, khách hàng và Luật sư tập sự đều được được lợi. Bởi lẽ người tập
sự thì rất cần có thêm kinh nghiệm quý báu từ hoạt động thực tiễn.
Thứ tư, việc gia nhập Đoàn Luật sư, tại dự thảo
đã sửa đổi thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư khi đăng ký tập sự (trở thành Luật
sư tập sự) thay vì thời điểm sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư như
Luật Luật sư hiện hành.
Theo quy định của Luật
Luật sư hiện hành tại khoản 1, Điều 20 quy định Người có Chứng chỉ hành nghề Luật
sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn Luật sư để hành nghề Luật sư. Người đã
gia nhập Đoàn Luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề
Luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ
chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định
của Luật này tại địa phương nơi Đoàn Luật sư có trụ sở. Như vậy với quy định hiện
hành thì người muốn gia nhập Đoàn Luật sư thì phải có chứng chỉ hành nghề Luật
sư. Việc quy định như vậy gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người tập sự
hành nghề Luật sư của Đoàn Luật sư, bởi quá trình tập sự người tập sự hành nghề
Luật sư chưa phải là thành viên của Đoàn Luật sư.
Việc sửa đối Điều 20 theo hướng thời điểm gia
nhập Đoàn Luật sư là khi đăng ký tập sự đã mở được nút thắt về việc quản
lý người tập sự hành nghề Luật sư của Đoàn Luật sư. Đồng thời tạo điều kiện cho
những người tập sự hành nghề Luật sư có cơ hội để cống hiến và gắn bó với Đoàn
Luật sư hơn.
Thứ năm, quy định rõ nội
hàm “dịch vụ pháp lý khác”, việc “xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ
khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật”. Đây là nội
dung rất đáng chú ý tại dự thảo tờ trình, thực tiễn hành nghề Luật sư có rất
nhiều dịch vụ gây tranh cái đây có phải là dịch vụ pháp lý khác hay không.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 30 thì dịch vụ
pháp lý khác của Luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên
quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết
khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực
hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Việc quy định như hiện hành
cũng gây nhiều tranh cãi khi áp dụng và thực tế. Việc sửa đổi theo hướng Quy định
rõ nội hàm “dịch vụ pháp lý khác”, việc “xác nhận giấy tờ, các giao dịch và
giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật” sẽ
giúp cho quá trình thực hiện được thuận lợi hơn. Đồng thời, các Luật sư cũng nhận
biết rõ hơn phạm vi công việc, dịch vụ của Luật sư được làm tránh có cách hiểu
không thống nhất.
Thứ sáu, về hình thức tổ
chức hành nghề Luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề Luật sư, được
quy định tại Điều 29 đã Quy định tổ chức hành nghề Luật sư Luật sư có thể có một
hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật điều này là phù hợp với Bộ luật Dân sự
tại Điều 137 và Điều 12 của Luật Doanh nghiệp. Việc quy định như trên cũng phù
hợp với thực tiễn quá trình phát triển của tổ chức hành nghề Luật sư, tạo điều
kiện cho tổ chức hành nghề Luật sư có điều kiện phát triển tốt nhất.
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh,
bãi bỏ điều kiện của Luật sư khi thành lập tổ chức hành nghề Luật sư phải có ít
nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề. Thực tế cho thấy, để trở thành Luật sư các
Luật sư đã trải qua một quá trình từ việc học Đại học chuyên ngành luật thông
thường thời gian này từ 3,5 năm đến 4 năm, học đào tạo nghề Luật sư 1 năm, tiếp
đó là quá trình tập sự 1 năm và cuối cùng phải vượt qua kỳ thi hết tập sự hành
nghề Luật sư mới có thể trở thành Luật sư. Chính vì vậy việc cắt giảm, đơn giản
hóa điều kiện thành lập tổ chức hành nghề Luật sư phải có ít nhất 02 năm kinh
nghiệm hành nghề là phù hợp với thực tế.
Kết luận
Sau 17 năm thực hiện, Luật Luật sư đã đi vào
cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của
Luật sư phát triển. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất
cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề Luật sư.
Chính vì vậy cần sớm xem xét sửa đổi Luật Luật
sư Hiện hành về những hạn chế bất cấp, giúp hoàn thiện những quy định của pháp
luật về Luật Luật sư. Nhằm thúc đẩy Quá trình phát triển của Đội ngũ Luật sư
cũng như thị trường pháp lý ngày càng minh bạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét