Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở
khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em; Công ước quốc tế về quyền của
người khuyết tật. Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được
phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây
dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, với những chính sách nhất quán tôn
trọng và bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào mọi chiến lược và
chương trình phát triển của đất nước. Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, với những
thành tựu quan trọng mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã đạt dược, diện mạo trên tất
cả các lĩnh vực của đất nước đã thay đổi và có sự phát triển mới, đời sống của
nhân dân không ngừng được cải thiện, môi trường chính trị - xã hội ổn định,
nhân dân được sống cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Cùng với những thành tựu trong xây dựng đất nước và cùng với
những nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người, Việt Nam đã đạt
nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người trên các phương diện của đời sống
xã hội. Các quyền con người về dân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa ở Việt Nam
được quy định rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước. Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng
và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người mới hơn 100
văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trong đó, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông
tin; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của các dân tộc; quyền sống,
được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại
và cư trú… của người dân được tôn trọng. Đồng thời, các bộ luật như: Luật Hình
sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật
Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018… Bộ luật Lao động (sửa đổi) thông
qua cuối năm 2019 với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động.
Đáng chú ý về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo năm 2016 đã có những quy định cụ thể hơn về quyền này không chỉ đối với
người có quốc tịch Việt Nam mà cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Quyền
này còn quy định cho phép người đang thi hành án phạt tù, ở các trại tạm giam,
tạm giữ được sử dụng kinh thánh... Những thành tựu về nhân quyền mà chúng ta đã
đạt được là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã phát triển theo chiều hướng rất tích
cực, và được dư luận thế giới công nhận. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận.
Mới đây nhất, ngày 15/4/2024, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo
quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ
quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Với chính sách nhất
quán về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng cơ chế UPR và
luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến
nghị mà Việt Nam chấp thuận tại tất cả chu kỳ. Việt Nam đã chính thức nộp báo
cáo UPR chu kỳ IV và ngày 10/5, tại Trụ sở Liên hiệp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thụy
Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng
Nhân quyền Liên hiệp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt
Nam.
Cùng với những đóng góp tích cực và thành tựu trên, trong
thời gian qua, Việt Nam còn tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm
trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được
thành lập từ năm 2006 đến nay. Chúng ta đã tham gia tích cực các hoạt động của
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm và
hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Trong đó, Việt Nam 2 lần trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
(nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025). Những nỗ lực và các sáng kiến,
đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được các nước đồng
tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Như vậy có thể khẳng định rằng những kết quả, thành tựu to
lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt
được trong 40 năm qua, là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là
vì quyền con người. Từ chủ trương mục tiêu xuyên suốt đến hành động cụ thể, Nhà
nước Việt Nam đã và đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con
người. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền
con người; đồng thời, là căn cứ quan trọng để nhận diện, đấu tranh phản bác những
thủ đoạn lợi dụng nhân quyền để chống phá Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét