Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

NVH42 - Tuyệt đối tin tưởng vào quyết tâm, mục tiêu mà Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta

 

Trong suốt hơn 94 năm trưởng thành, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam, với bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh, trong sáng của một Đảng cách mạng chân chính, đã luôn luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, tích cực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục mọi sai phạm, tiêu cực để vững vàng đi lên. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này đã góp phần thiết thực để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có thêm sức mạnh về mọi mặt, như đánh giá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta càng mạnh lên, Đảng ta càng được củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch”.

Vào những năm đổi mới, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiến hành với ý chí quyết tâm, sự đồng thuận cao, hành động kiên quyết, biện pháp phù hợp, khả thi, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Có thể thấy rất rõ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực luôn được thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo ra những bước đột phá, với sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều rất đáng mừng là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Cũng qua đây, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng; phải đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả cụ thể, rõ ràng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu rất sâu sắc về phương châm, biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Phải tiến hành thật kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Ai ngại đấu tranh, không làm được thì đứng sang một bên”.

Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc huy động sức mạnh to lớn của nhân dân cùng tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Đảng luôn coi trọng, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện trách nhiệm, tình cảm với Đảng, với đất nước theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nghị quyết của Đảng thường xuyên nêu rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các hoạt động của mình, phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân để tham gia xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhân dân đồng thuận, đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của ý Đảng, lòng dân. Kết quả khảo sát mấy năm trước đây cho thấy có hơn 93% ý kiến của người dân được hỏi đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo và thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta phát động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Đảng khẳng định: “Với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình để không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng; để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã thu được những thắng lợi lớn, tích cực, toàn diện. Nhưng đồng thời vẫn còn không ít tồn tại, khuyết điểm, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được tiếp tục tiến hành kiên quyết, kiên trì hơn, cả trong kỷ luật Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước. Cụ thể: trong Đảng, chúng ta cần hết sức coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên; kịp thời phát hiện, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến; tích cực củng cố các tổ chức đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách. Trong thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần triển khai đồng bộ và có hiệu quả các quy định của luật pháp, bảo đảm đúng pháp luật, thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào quyết tâm, mục tiêu mà Đảng và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân”./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...