Công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đẩy
mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ, xử lý
nghiêm sai phạm, thực hiện miễn nhiệm, từ chức,... theo quy định của Đảng, Nhà
nước; vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn
tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Và để tiếp tục
phát huy, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực trong giai đoạn hiện nay thì toàn Đảng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ,
giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm, nhất là của
người đứng đầu đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý
nghĩa, tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì
cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mới nâng cao được trách
nhiệm, có thái độ và động cơ đúng đắn, có ý chí quyết tâm cao, tích cực, tự
giác thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm tính hệ
thống, đồng bộ, hiệu quả.
Tiếp
tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm
tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần tăng cường công tác
kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố một cách hiệu quả,
bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Phát hiện từ sớm, từ xa, xử lý nghiêm
minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì thực hiện
thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, góp phần khắc phục hạn chế và hậu quả của
tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp
luật. Xử lý kịp thời và thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sách
nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong thực hiện công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ phẩm
chất, năng lực, đức, tài để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực chất lượng, hiệu quả.
Cố Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Không
liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật
được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những
người làm công tác chống tiêu cực”. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực phải thực sự là người
nêu gương về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cần có chính sách đãi
ngộ thỏa đáng, hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc,
trách nhiệm được giao.
Thứ tư, tổ chức và thực hiện tốt,
hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ ngày càng cao hiện nay.
Tiếp
tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công
khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức,
đơn vị; tăng cường kiểm soát một cách thực chất, hiệu quả tài sản, thu nhập của
người có chức vụ, quyền hạn. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, thì bảo
đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là điều kiện kiên quyết
để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn,
không bị lạm dụng. Theo đó, cần có biện pháp phù hợp để công dân thực hiện đầy
đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật, cơ quan và tổ chức có
sự phản hồi chính xác, kịp thời ý kiến của nhân dân; đồng thời, phát huy vai
trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của
Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu
dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị -
xã hội, nhân dân và toàn xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.
Thứ năm, thực hiện tốt hoạt động phối hợp của các chủ thể, tổ chức, cơ
quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong tổ chức
thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với
thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ
quan bảo vệ pháp luật để
tăng cường sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây lãng
phí nguồn lực, không hiệu quả.
Tăng cường sự
phối hợp giám sát của Đảng với của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội chính
là thực hiện tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, nhằm tổ chức, động viên nhân dân
phát hiện, tham gia góp ý, phê bình hành vi, việc làm sai trái của cán bộ, đảng
viên, góp phần đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lan tỏa
cả về chiều rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Thứ sáu, thực hiện tốt, nền nếp, thường xuyên công tác sơ kết, tổng kết việc
thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rút ra bài học
kinh nghiệm quý để tiếp tục vận dụng hiệu quả trong tình hình mới. Qua tổng kết
thực tiễn, các cơ quan chức năng có thể rút ra kinh nghiệm quý, mô hình hay,
tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xây dựng, hình thành và bổ
sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét