Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

NVI42 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đi vào cuộc sống, đã góp phần lớn vào việc bảo đảm an toàn giao thông

 

Sau gần 05 năm từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và gần 03 năm Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng có hiệu lực, với sự cứng rắn và nghiêm khắc hơn trong chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn huyện Tây Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phòng ngừa và hạn chế những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT).

Theo công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh nhất thế giới. Người uống rượu, bia khi tham gia giao thông trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho toàn xã hội bởi sự gia tăng đáng báo động về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích gây ra.

Nhận thức sâu sắc những tác động tiêu cực do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây ra cho xã hội, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 ra đời, nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống.

Ngăn chặn triệt để “ma men” đường phố

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Một điểm mới nữa được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là đi xe đạp uống rượu, bia cũng bị xử phạt. Theo đó, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Kết quả xử lý vi phạm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2024

Tại Hội nghị Sơ kết về công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, triển khai 6 tháng cuối năm 2024, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền 4.052 tỷ 241 triệu đồng; tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 715.459 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 450.688 trường hợp (+26,74%), tiền phạt tăng 800 tỷ 422 triệu đồng (+24,61%).


TNGT đã xảy ra 12.350 vụ, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người chết giảm 10,61%, về số vụ  tăng 15,58%, số người bị thương tăng +34%.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo ATGT 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban ATGT Quốc gia, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã ghi nhận, đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng, kết quả của Bộ Công an nói chung, CSGT nói riêng trong 6 tháng đầu năm. Kết quả kéo giảm 634 người tử vong vì TNGT so với 6 tháng cùng kỳ năm 2023 của CSGT là thành tích rất đáng tự hào. Lực lượng CSGT đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực vượt khó khăn để giành giật lại tính mạng của người dân trên các cung đường giao thông.

Với những cố gắng và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn cả nước, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã thực sự có những tác động mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, tạo sự chuyển biến tích cực tình hình TNGT trên cả nước theo hướng năm sau giảm hơn năm trước, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông và các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia. Tuy nhiên, trật tự an toàn giao thông luôn là vấn đề có sự vận động, biến đổi khó lường. Vì vậy, trong thời gian tới mỗi người dân cần tiếp tục chung tay cùng lực lượng Công an và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai rộng rãi các văn bản pháp luật về TTATGT, góp phần đảm bảo hoạt động giao thông trên cả nước được nền nếp và an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...