Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng
ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp
tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống
phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu
tranh với các quan điểm xấu, độc cũng cần được nhận diện và lên án vì những tác
động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Lâu nay, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, các cán bộ, đảng viên và quần
chúng nhân dân luôn nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, tích cực,
kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,
những thông tin xấu, độc để bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, bảo vệ những thành quả của công cuộc đổi mới và sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam.
Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số
người thiếu ý thức, trách nhiệm có hành vi lan truyền, dung túng, tiếp tay
những quan điểm sai trái, thù địch, thậm chí tán phát các thông tin xấu, độc
chống phá chế độ, gây bất ổn xã hội cần phải được đấu tranh, lên án.
Tuy nhiên, còn có một tình trạng nguy cơ nguy
hại không kém là những người có biểu hiện bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm
trước thông tin sai sự thật, thấy đúng không bảo vệ, lan tỏa, nhân rộng; thấy
điều sai trái, thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi
ích quốc gia, dân tộc không dám đấu tranh, phản bác. Với quan điểm và lối sống
như vậy, những cá nhân này ngày càng trở nên chây ỳ, lười biếng trong thực hiện
chức trách, nhiệm vụ được giao, trốn tránh học tập lý luận chính trị, bỏ bê
việc rèn luyện đạo đức cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời mục
tiêu, lý tưởng của Đảng, thậm chí coi thường nghị quyết, chỉ thị của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, đây là nhận thức chưa đúng đắn bởi
chính sự lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm, không lên tiếng đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vô hình trung đã tạo cơ hội cho
những quan điểm xấu, độc ngày càng lan rộng, giúp các đối tượng chống phá có
điều kiện để hướng lái, dẫn dắt dư luận, gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn
kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, sự bàng
quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng còn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi tước đi sự
nhiệt tình, hăng hái và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; làm suy giảm uy tín,
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều
hành, quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Cho nên đây có thể
xem là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống
dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã
được Đảng ta chỉ rõ; đồng thời cũng chính là những điều mà đảng viên không được
làm theo Quy định về những điều đảng viên không được làm (số 37-QĐ/TW, ngày
25/10/2021) của Ban Chấp hành Trung ương: “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai
không đấu tranh”.
Để trị tận gốc căn bệnh bàng quan, vô cảm, vô
trách nhiệm, né tránh không dám đấu tranh với các thông tin sai trái, xấu, độc,
chống phá Đảng, Nhà nước hiện nay đòi hỏi cần triển khai thực hiện đồng bộ một
số giải pháp như sau: Trước hết, phải tăng cường và đổi mới mạnh mẽ nội dung,
phương thức giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ,
đảng viên và quần chúng nhân dân để mỗi người nhận thức rõ, đúng, đầy đủ trách
nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ
chế độ; phải thường xuyên quán triệt cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân
không ngừng nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ
chủ nghĩa xã hội vì đây chính là nhằm bảo vệ cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc,
cơ hội phát triển toàn diện và tương lai tốt đẹp cho mỗi người. Do đó, đây
không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức, cơ quan, lực lượng chức năng nào
mà cần phải xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác
tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, lan tỏa rộng rãi các tấm gương
sáng, những cách làm hay trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái
tiêu cực”; làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng kịp thời, xứng đáng
những điển hình tiên tiến từ đó sẽ có tác dụng khuyến khích, động viên và tạo
động lực để mỗi người có sự quyết tâm và cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa vào
cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra cần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo
vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám lên tiếng tố cáo và đấu tranh mạnh mẽ với
những quan điểm thù địch, những thông tin xấu, độc, những hành vi sai trái
chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, để
triệt phá tận gốc căn bệnh bàng quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm trong
đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cần phải nâng cao hơn nữa chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt nhất là rèn
luyện về lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị, đạo đức cách mạng; đẩy mạnh
công tác phê bình và tự phê bình, công khai đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ
để kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người thoái hóa, biến chất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét