Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”
nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị ở
nước ta, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của
Đảng. Một trong những luận điệu tinh vi mà chúng thường sử
dụng là ra sức đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại đối lập tư tưởng Hồ Chí
Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm phá hủy gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì
thế, chống lại luận điệu xuyên tạc này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Các thế lực thù
địch ra sức ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí
Minh nhưng đồng
thời lại phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Để hạ
bệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng đưa ra nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên, chúng cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ 19, 20, còn bây giờ nhân
loại đã ở thế kỷ 21, đang trong
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển bùng nổ của internet, mạng xã
hội, công nghệ trí tuệ nhân tại AI, vai trò của trí
thức “lên ngôi” nên Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời. Đây là cách lập luận rất
hàm hồ bởi cho dù thời đại mà chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại
mà Mác, Ăngghen, Lênin nhưng những biến đổi của nó vẫn không vượt ra ngoài
những quy luật chung nhất mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khám phá ra. Chủ nghĩa
Mác-Lênin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội,
nhận thức thời đại mà chưa có một chủ nghĩa, học thuyết chính trị nào có thể
thay thế.
Lý do thứ hai chúng
chống phá là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, rằng sự sụp đổ đã chứng tỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin sai
lầm từ bản chất chứ không phải là do nhận thức sai, vận dụng sai. Chúng cố tình không hiểu
rằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là sự sụp đổ
của một mô hình xã hội chủ nghĩa nhiều khuyết tật và chậm được sửa chữa chứ
không phải sự sụp đổ của một học thuyết khoa học. Tính bền vững của Chủ nghĩa
Mác-Lênin so với các học thuyết khác nằm ở chỗ nó dựa trên một thế giới quan
khoa học là phép biện chứng duy vật.
Lý do thứ ba các thế lực thù địch đưa ra để đòi hủy bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là sự
khác biệt giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì Chủ nghĩa Mác
chủ trương đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh lại chủ trương đại đoàn kết toàn dân
tộc và Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải theo chủ
nghĩa cộng sản...
Sau khi đưa ra nhiều lý do đầy tính ngụy biện như vậy, chúng đi đến kết luận:
Lúc này chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, vì thế, cần loại bỏ Chủ
nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.
Luận điệu “đề cao” tư tưởng Hồ Chí Minh, đem tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập
với Chủ nghĩa Mác-Lênin là rất tinh vi, xảo quyệt, hoàn toàn đối lập với tình cảm, tâm nguyện của bản thân Hồ
Chí Minh.
Sinh thời, Người đã khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa
Lênin. Để nói về vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin với cách mạng Việt Nam,
Người còn khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng
và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái
kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi
cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản". Sự gắn bó không thể tách rời của Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin còn
thể hiện qua những tình tiết rất sinh động và cảm động. Khi viết Di
chúc gửi lại, Người đã gọi việc từ giã cõi đời của mình là “đi gặp cụ Các
Mác, cụ Lênin” bởi giữa các bậc vĩ nhân ấy là sự đồng điệu về khát vọng giải
phóng con người và “tình hữu ái vô sản” thiêng liêng.
Phải khẳng định rằng: Việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp Chủ nghĩa
Mác-Lênin thực chất là một âm mưu đen tối, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Sự nguy hiểm của nó nằm ở tính ngụy biện, dễ làm
người ta ngộ nhận, tin theo bởi nó “đánh vào” tình yêu lãnh tụ và tinh thần tự
tôn dân tộc. Tuy nhiên, đây thực chất không phải là sự ca ngợi, không phải là
đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị của nó mà chỉ là thủ pháp “nâng
lên để hạ xuống”, là tìm cách cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi ngọn
nguồn lý luận chủ yếu của nó để qua đó làm suy yếu và tiến tới phủ định chính
tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ đang hiện hành, xóa bỏ định hướng đi lên chủ nghĩa
xã hội ở nước ta.
Để chống lại giọng điệu xuyên tạc, xảo trá này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên
và quần chúng cần nêu cao tinh
thần cảnh giác cách mạng. Cần hiểu rằng, quan hệ
giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ giữa cội nguồn và
phát triển, giữa cái chung và cái đặc thù nên “tuy hai mà là một, tuy một mà là
hai”. Cho dù tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng tạo so với Chủ nghĩa
Mác-Lênin nhưng nó lại thống nhất với Mác-Lênin ở chiều sâu bản chất, ở lý
tưởng giải phóng con người cùng khổ.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải kiên định và tăng cường hơn nữa sự
vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bởi thực tiễn là nơi kiểm
nghiệm mọi chân lý một cách xác thực nhất. Ngược lại, mỗi hành vi sai trái của
cá nhân và tổ chức đảng đều là sự tiếp tay cho các thế lực thù địch trong việc
tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, việc tăng cường bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh.
Lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn
song hành với cuộc đấu tranh bảo vệ chân giá trị của học thuyết và chống lại
những quan điểm sai trái thù địch. Vì thế, đấu tranh chống lại quan điểm đối
lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin là việc làm mang tính quy luật
nhằm gia tăng sức mạnh của Đảng và làm thất bại mưu đồ xuyên tạc, chống phá của
các lực lượng thù địch. Bằng sự đúng đắn trong nhận thức cũng như trong hành
động, mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tham
gia vào việc khẳng định chân lý: Thế giới còn đổi thay nhưng Chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét