Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

NVC42 - VIỆT TÂN, ĐỪNG LỢI DỤNG SỰ NÔNG CẠN, VÔ ƠN, THIẾU HIỂU BIẾT CỦA 1 ĐỨA TRẺ ĐỂ QUY CHỤP, ĐÁNH ĐỒNG VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỰ DO NGÔN LUẬN

 

Dư luận cả nước đang dậy sóng trước phát ngôn nông cạn, vô ơn, thiếu hiểu biết, gây tranh cãi và không thể chấp nhận được của Chu Ngọc Quang Vinh - nam sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái vào tối ngày 01/9/2024 trên tài khoản facebook cá nhân. Phát ngôn của Chu Vinh, một người từng giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng và người dân cả nước.

Chu Ngọc Quang Vinh không những thể hiện quan điểm cá nhân về những điều anh cho là "không hoàn toàn sự thật" trong những gì được dạy ở trường mà còn thẳng thắn bày tỏ mơ ước sống và làm việc tại nước ngoài, và coi đó là mục tiêu lớn nhất của mình, thay vì cống hiến cho quê hương, đất nước. Những phát ngôn thể hiện sự coi nhẹ giá trị của giáo dục và truyền thống dân tộc đã nhanh chóng lan truyền và gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.

Mặc dù bài viết này đã được Vinh gỡ bỏ sau đó, những nội dung nhạy cảm của bài viết đã bị chụp lại và lan truyền rộng rãi, gây nên làn sóng phẫn nộ từ dư luận. Đa số các ý kiến thể hiện sự thất vọng và phẫn nộ trước quan điểm của Vinh đó là sự "vô ơn" với đất nước và quê hương. Thật đáng tiếc, với tư cách là một học sinh tiêu biểu từng tham gia và đạt giải trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, đáng lẽ cậu ta phải có trách nhiệm thể hiện sự kính trọng và biết ơn với nền giáo dục và đất nước đã nuôi dưỡng mình.

Đối diện với làn sóng dư luận, cùng sự vào cuộc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng đã giúp cho Vinh thay đổi nhận thức. Vinh đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc, đã viết bài xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Trong bài đăng, Vinh thừa nhận sai lầm, bày tỏ sự hối hận vì đã làm tổn thương đến những người yêu thương và tin tưởng mình. Theo Vinh, khi viết những dòng này lên mạng xã hội, Vinh chưa ý thức được hậu quả và khiến mọi người phẫn nộ. Bản thân không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc và những phát ngôn nông cạn vừa qua chỉ xuất phát từ những quan sát và trải nghiệm ít ỏi của bản thân. Vinh đã xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn không đúng. Đồng thời mong nhận được sự tha thứ của mọi người.

Ấy vậy mà, Việt Tân, một tổ chức khủng bố thế giới, một tổ chức phản động đối với Việt Nam cùng biết bao tổ chức phản động khác, các trang mạng, diễn đàn của các tổ chức, cá nhân đối tượng phản động, bất mãn chính trị trong và ngoài nước thật vô đạo đức khi không từ thủ đoạn liên tục lợi dụng chính phát ngôn ngây thơ, nông cạn này để quy chụp, đánh đồng Việt Nam không có tư do ngôn luận. Trong khi, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ lên từng ngày, phát triển đến một vị thế “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Để có được thành quả tốt đẹp như ngày nay, dân tộc Việt Nam ta đã phải trải qua biết bao gian khổ hy sinh, trên mỗi con đường mỗi thửa ruộng đi qua in dấu chân biết bao người anh hùng. Trong các cuộc trường chinh của dân tộc, lớp lớp thế hệ cha anh lên đường ra mặt trận, bỏ lại sau lưng mẹ già, em thơ, vợ trẻ, họ chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, lịch sử được viết lên bởi những tấm lòng trung kiên về một thế hệ không biết cúi đầu, họ nguyện hiến dâng xả thân vì Tổ quốc và còn sẽ tiếp tục phấn đấu đi lên. Sự kiên định, bản lĩnh đó có gì mà phải “sợ cả lời nói của một học sinh chưa đủ 18 tuổi”. Đó cũng không phải là “Đàn áp chính trị hay mang một học sinh ra đấu tố để đe dọa tất cả người dân Việt Nam còn lại, xem đó là gương để khóa miệng”. Đó là sự dạy dỗ giáo huấn cần thiết cho chính những kẻ vô ơn, nông cạn, thiếu hiểu biết như Vinh, là hồi chuông cảnh tỉnh về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Trong thời đại số hóa, mạng xã hội là một công cụ hữu ích để chia sẻ thông tin, kết nối mọi người, nhưng cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu sử dụng không đúng cách, sẽ thật nguy hiểm khi các tổ chức phản động thù địch như Việt Tân lợi dụng, xuyên tạc, biến tướng, kích động biểu tình chống đối phá hoại lật đổ trong thế hệ trẻ của chúng ta. Cũng chẳng phải “Cả một bộ máy chính quyền đi ăn thua đủ với một đứa trẻ 17 tuổi chỉ vì nói lên suy nghĩ cá nhân của mình” mà nói lên chính trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội này cần thiết phải có sự vào cuộc, kịp thời định hướng, giáo dục và giám sát đúng đắn thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với quê hương, đất nước. Để thấy được rằng, đây cũng là bài học quan trọng cho thế hệ trẻ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trước khi phát ngôn, tránh gây tổn thương cho người khác và không làm ảnh hưởng đến cộng đồng là rất quan trọng.

Còn về quyền tự do ngôn luận, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Khung pháp lý của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do tuyên truyền, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa của cộng đồng. Ngay cả những lời nói ngô nghê, đi ngược lại với lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không có một cộng đồng nào ủng hộ đăng tải, phát tán những tin bài xuyên tạc, kích động bạo lực hay chê bai chính đất nước, ngôi nhà thân yêu của mình để sang nước ngoài sinh sống trong khi mình chẳng hiểu gì về những lời mình nói. Ngay cả ở Mỹ, một đất nước mà Việt Tân vẫn rêu rao ca ngợi là tự do ngôn luận, tự do dân chủ thì ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng, chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những thông tin sai lệch, nội dung bạo lực trực tuyến. Vì vấn đề này ở Mỹ cũng là vấn đề đáng báo động, gây lo lắng đối với người dân.

Cái gọi là “tự do ngôn luận” kiểu Việt Tân chỉ là dùng để vẽ nên những bức tranh lệch lạc, xám xịt về đất nước và con người Việt Nam. Những lời rêu rao của Việt Tân cho thấy những khiếm khuyết của thế giới quan “tự do ngôn luận” của chúng cũng như những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá đất nước. Việt Nam cũng không sợ hãi gì nếu thêm một lần nữa trở “thành tiêu điểm trên báo cáo Liên Hợp Quốc về lạm dụng trẻ em” vì đó không phải là lạm dụng trẻ em mà là giáo dục trẻ em cần phải nghĩ đúng, nhận thức đúng và phát ngôn đúng đối với xã hội, đất nước và con người Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...