Công tác cán bộ
luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là khâu “then chốt của then chốt”. Người
và Đảng ta đã dày công đào tạo, huấn luyện, xây dựng được một đội ngũ cán bộ tận
tụy, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua từng giai đoạn cách mạng. Thực
tiễn cách mạng Việt Nam 94 năm qua cho thấy, trong bất cứ giai đoạn cách mạng
nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Không phải ngẫu nhiên mà Bác
Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Người
khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất
bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Sau gần 40 năm tiến
hành công cuộc đổi mới, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng
thành, phát triển nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Sự trưởng thành, lớn
mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu
quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi
mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, cùng với
những thành quả đạt được, công tác cán bộ cũng bộc lộ không ít yếu kém, tồn tại
cần khắc phục. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: Một bộ phận
cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự
lan tỏa sâu rộng.
Phát biểu tại
Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào tháng
3/2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban - cho biết: đội ngũ
cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Năng lực của đội ngũ cán bộ
chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng,
giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Một số cán bộ lãnh đạo, quản
lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng
lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều
làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng
vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Cũng trong thời
gian gần đây, khi kỳ họp bất thường lần thứ 8, quốc hội khoá XV bàn về công tác
tác nhân sự cấp cao, các phần tử cơ hội, thù địch nhân dịp này tìm mọi cách
xuyên tạc, bóp méo, hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng
Đảng nói chung của chúng ta. Chúng đơm đặt cho rằng đây là một cuộc dàn xếp
nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; rằng nhân sự các cấp đã được
sắp xếp nên việc tổ chức Đại hội Đảng thời gian tới chỉ mang tính hình thức...
Những bài viết này thường “lái” sự việc theo chiều hướng tiêu cực, làm sai lệch
bản chất vấn đề; “thổi phồng” sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, thông qua đó hòng hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khách quan nhìn nhận
thì trên thực tế thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn tồn tại không ít hạn chế,
yếu kém như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định và người đứng
đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ. Nguyên nhân của những hạn
chế này xuất phát từ một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chậm được
đổi mới; nhiều quy định chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực để cán bộ phát
huy khả năng, sở trường trong công việc, ... Nhưng sâu xa hơn, đó là bản thân mỗi
cán bộ, đảng viên chưa tự giác tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực chưa
tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được đảm nhiệm... Những sai phạm của một số cán
bộ thời gian qua tuyệt đối không phải bắt nguồn từ chủ trương, đường lối của Đảng
trong công tác cán bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét