Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết,
quan trọng hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những năm trở lại đây với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng ta thực hiện quyết liệt công tác phòng,
chống tham nhũng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố bộ máy Nhà nước trong sạch,
vững mạnh; công tác phòng,
chống tham nhũng ở nước ta đã đạt kết quả quan trọng, được Nhân dân trong nước
đồng tình ủng hộ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong
và ngoài nước đã ra sức chống phá, đặc biệt là thông qua những vụ án mà đối
tượng là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước để xuyên
tạc, tung ra các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và
Nhà nước.
Lướt trên các trang mạng xã hội sẽ
thấy có nhiều thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng
và Nhà nước ta, đặc biệt khi người đứng đầu Đảng ta Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng mất đi, các thế lực thù địch nhân danh chống tham nhũng đã đưa ra các
luận điệu, bài viết xuyên tạc rất xảo trá rằng: “Người cộng sản cuối cùng đã đi
xa, Đảng Cộng sản sẽ đi về đâu?”. Những nội dung xuyên tạc, phủ nhận những
thành tựu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, kích động “Từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xoá
bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013”
Có thể thấy, những luận điệu xuyên
tạc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên của các thế lực thù địch, cơ
hội chính trị là nhằm lan truyền, gây hoang mang, mất niềm tin vào cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng; bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm phai nhạt
mục tiêu, đánh mất bản chất Đảng, hạ uy tín để đi đến phủ định vai trò lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng, từ đó tác động xấu đến cán bộ, đảng viên dễ sa vào “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến đất nước rơi vào khủng hoảng, mưu đồ “diễn
biến hòa bình” của chúng thành công.
Tham nhũng là hiện tượng mang tính xã
hội, là tệ nạn nhức nhối của tất cả các quốc gia, thể chế chính trị, trong đó
có Việt Nam. Về nguồn gốc và bản chất, tham nhũng chính là sự lạm dụng quyền
lực, tha hóa quyền lực để mưu đồ lợi ích cá nhân của một người hoặc một nhóm
người, làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tổ chức và xã hội. Việc
quy kết tham nhũng chỉ có và kịch phát dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong thể
chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, tư
biện và sai lầm, bởi tham nhũng luôn tồn tại ở mọi chế độ xã hội có nhà nước,
luôn gắn với nhà nước và quyền lực.
Ở
bất cứ chế độ xã hội nào, tham nhũng cũng đều gắn với tình trạng quyền lực bị
thao túng và bị tha hóa. Quyền lực của Nhà nước ta là do Nhân dân ủy thác, được
phân công, phân nhiệm, ủy quyền cho các tập thể và cá nhân đảm trách. Chỉ có
những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng thoái hóa, biến chất, thiếu tu
dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; quan điểm, bản lĩnh, lập trường tư tưởng
không kiên định, vững vàng; tính chiến đấu bị giảm sút, ý chí tổ chức kỷ luật
kém; bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất tầm thường, sa vào chủ nghĩa cá nhân;
thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của tổ chức, của Nhân dân, mới sa vào căn
bệnh tham nhũng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc
biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho
rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt
hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;
làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng Nhân
dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái
xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải được tiến hành
thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày
càng trong sạch, vững mạnh.
Cần khẳng định rằng, đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là
quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt
Nam đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh kiên quyết với tệ tham nhũng bằng việc
đề ra chủ trương, phương thức rất đúng và trúng để tăng cường công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công
tác này được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào
chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, “không có vùng cấm, không có ngoại
lệ”; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Tham nhũng từng bước
được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm và đạt nhiều kết quả rất
quan trọng, “được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao
và quốc tế ghi nhận”.
Thực tiễn, trong 10 năm qua “Trong năm 2023, cấp ủy, ủy
ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên
(tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật
459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ
luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có
6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cũng
trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố
trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã
cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ
luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu
nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương
quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng”. Ngành thanh
tra, kiểm toán nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực dễ phát
sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc; tập trung thanh tra,
kiểm toán các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức
năng đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất; kiến
nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; đã chuyển 557 vụ việc có
dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của
pháp luật. “Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến
hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội
tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án
tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can”
Những
kết quả nêu trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa
rất mạnh mẽ và có “sức bật mới”, ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng
khẳng định “Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của
các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử
lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh””. Hơn nữa, việc
tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng
viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ - một đảng sinh ra không phải để làm quan
phát tài, một chế độ luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân
làm mục tiêu phấn đấu. Đó cũng là cách khẳng định rõ mục tiêu đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực vì sự ổn định, phát triển của đất nước, vì tương lai
của dân tộc, là nhằm chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe
cánh” hay “đấu đá nội bộ” như những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế
lực thù địch, phản động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét