Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

NVI41 - TINH THẦN ĐOÀN KẾT CỦA DÂN TỘC TRONG CƠN BÃO SỐ 3 YAGY

 

Bên cạnh sự vào cuộc và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các cấp chính quyền, ta còn thấy ngời sáng lên cả tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam giữa cơn bão số 3. Đó chính là cội nguồn sức mạnh lớn nhất giúp chúng ta vượt qua bao chông gai, thử thách trong quá khứ, chiến thắng giặc ngoại xâm, vượt qua những giai đoạn nghèo đói, thiếu thốn, khắc phục thiên tai, dịch bệnh… Và giờ đây, truyền thống cao đẹp ấy tiếp tục được kết nối, nhân rộng thêm trong mùa bão lũ. Đó chính là những chiến sĩ Công an, Quân đội không quản khó khăn, sẵn sàng xông pha vào những khu vực nguy hiểm nhất để cứu giúp những người dân còn đang mắc kẹt; những tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, người ủng hộ vật chất, người đóng góp tinh thần; các tỉnh thành, khu vực cùng chung tay tiếp sức cho miền Bắc vượt qua mất mát, gian truân… Tất cả làm nên một bản hoà ca của tình đoàn kết, của nghĩa đồng bào, một suối nguồn yêu thương chảy mãi trong huyết quản người Việt tự ngàn đời nay.

Trong trận bão lịch sử này, chúng ta đã được chứng kiến biết bao tấm lòng vàng với tinh thần lá lành đùm lá rách, thể hiện ngay từ những ngày đầu tiên sau khi cơn bão diễn ra. Cụ thể, vào 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tại Lễ phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ với số tiền lên đến trên 407 tỷ đồng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, người lao động, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia ủng hộ một ngày lương trở lên. Các đoàn viên, hội viên, thanh niên, gia đình có mức sống từ trung bình trở lên trên khắp cả nước cũng tiết kiệm chi tiêu và ủng hộ ít nhất 50.000 đồng.

Mặc dù là hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi, song thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã có những nghĩa cử cao đẹp đối với các địa phương chịu nhiều thiệt thòi khác. Vào ngày 10/9/2024, sau các cuộc họp, làm việc tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 685/TTg-KTTH gửi Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, qua đó nêu rõ Chính phủ dự kiến hỗ trợ mỗi địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, với tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh báo cáo sẽ chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và dành nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn, cụ thể là các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tỉnh Quảng Ninh còn trích 180 tỷ đồng ngân sách của tỉnh để ủng hộ người dân gặp khó khăn do bão Yagi tại các tỉnh thành khác. Nghĩa cử cao đẹp, tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.

Tại khu vực phía Nam, các hoạt động quyên góp, ủng hộ thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… cũng diễn ra rất sôi nổi với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, ngày 11/9, nhiều tỉnh, thành và các đơn vị doanh nghiệp phía Nam đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Chiều 10/9, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát huy tinh thần tương thân tương ái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh ủng hộ 120 tỉ đồng để cùng chung tay giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho biết ngay trong sáng 11/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp và thống nhất chủ trương trích từ Quỹ dự phòng của tỉnh 12 tỷ đồng, cộng thêm khoản tiền ủng hộ từ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mỗi người ít nhất 1 ngày lương, Lâm Đồng sẽ gửi khoảng 20 tỷ đồng để chia sẻ với các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến các cá nhân với những khoản quyên góp lớn cho đồng bào chịu thiệt hại do bão Yagi, đặc biệt là các văn nghệ sĩ. Tính đến ngày 11/9, có hơn 30 sao Việt công khai việc ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Ca sĩ Hà Anh Tuấn ủng hộ 1 tỷ đồng, Mỹ Tâm 200 triệu đồng, nhóm nhạc LUNAS 150 triệu đồng, Lê Dương Bảo Lâm 100 triệu đồng, Hòa Minzy 500 triệu đồng, Ca sĩ Tùng Dương 500 triệu đồng, Hoa hậu Phương Lê 500 triệu đồng, Midu 100 triệu đồng, Đức Phúc ủng hộ 100 triệu đồng. Thay mặt đoàn phim Hai Muối, nghệ sĩ Quyền Linh đã trao hỗ trợ 200 triệu đồng cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa… Youtuber Quang Linh Vlogs cũng thông báo, anh và Team châu Phi sẽ ủng hộ 300 triệu đồng để khắc phục sau bão Yagi, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – Ban Cứu trợ TW.

Đặc biệt, có những tâm sự và những thông điệp hết sức xúc động đã được những người ủng hộ lan toả đi cùng với số tiền ủng hộ. Đó là câu chuyện của GS.TS Lê Ngọc Thạch – giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), người đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào sáng ngày 10/9 để gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. GS Thạch cho biết, sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông tâm sự hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều, vì “ngồi nhà xem tình hình mưa bão mấy ngày qua chịu không nổi, thấy xót xa cho bà con ngoài đó quá” nên ngay khi thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình ủng hộ, ông lập tức muốn hưởng ứng luôn mà không một chút đắn đo.

Có thể nói, sự đoàn kết, lòng nhân ái, và tinh thần sẻ chia đã giúp chúng ta không chỉ vượt qua cơn bão số 3 mà còn khẳng định sức mạnh của những giá trị nhân văn tốt đẹp, quý báu trong truyền thống dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để chúng ta tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người dân Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH TP Hà Nội cũng cho rằng, cơn bão số 3 là một trong những thảm họa lớn nhất gần đây, một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. “Song khi đối diện với thách thức từ cơn bão số 3, tôi thấy rằng, những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam như lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết đã được thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa”.

Trước hếtcơn bão số 3 đã chứng minh rằng tinh thần đoàn kết, một giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là lý thuyết mà là thực tiễn sống động. Các cá nhân và tổ chức đã không ngần ngại dấn thân vào vùng bão lũ để cứu trợ, giúp đỡ những người gặp nạn. Khi cơn bão tấn công, người dân đã nhanh chóng tổ chức cứu trợ, hỗ trợ lẫn nhau mà không phân biệt địa phương hay hoàn cảnh. Hình ảnh những chiếc ô tô đi chậm lại để che chắn cho xe máy khỏi bị ảnh hưởng bởi bão trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), hay hình ảnh một chiếc ô tô lùi lại đón một phụ nữ gặp nạn đang bơ vơ ven đường ở Hải Phòng, các khách sạn hay các hộ gia đình tại Hà Nội dành riêng một căn phòng trống trong nhà mình, dọn dẹp sạch sẽ và treo biển mời bà con cơ nhỡ đến tá túc qua bão…

Những hình ảnh cảm động ấy chính là biểu tượng của tình người ấm áp, lòng trắc ẩn và tình yêu thương sâu sắc, dào dạt trong lòng dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã trưởng thành, kinh qua bao phen binh lửa, giông bão với triết lý “thương người như thể thương thân”, nơi mỗi người đều coi sự an toàn và hạnh phúc của người khác như chính bản thân mình. Sự nhân ái này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách mà còn truyền cảm hứng, tạo ra một cộng đồng gắn bó và yêu thương, một bức tranh toàn diện về tinh thần tương thân tương ái. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam có thể tự hào khẳng định rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết vẫn là giá trị then chốt giúp dân tộc ta “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Bên cạnh đó, qua cơn bão lịch sử này, chúng ta cũng nhận thấy, sự tự giác và trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng đã được thể hiện mạnh mẽ và là một nhân tố quyết định giúp . Không những có sự chung tay từ cộng đồng, mà việc mỗi người dân ngày càng có ý thức, chủ động tham gia vào các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ, thể hiện tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao, cũng đã tạo ra động lực quan trọng giúp đẩy lùi những thiệt hại sau bão một cách nhanh nhất. Đây vừa là một phản ứng tích cực trước thiên tai, vừa là sự khẳng định rằng các giá trị truyền thống như sự tôn trọng cá nhân đi kèm với trách nhiệm cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong các tình huống khẩn cấp.

Như vậy, những thảm họa thiên nhiên như cơn bão số 3 nhắc nhở chúng ta rằng, các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam không phải là những điều xa vời mà chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để duy trì sự hòa hợp, tạo ra những kết nối bền vững trong cộng đồng. Khi tinh thần ấy phát huy một cách sống động vào thực tiễn đời sống, chúng ta không những đã vượt qua được những thử thách cam go trong quá khứ, hiện tại, mà sẽ còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 đi qua, giờ đây lịch sử một lần nữa lặp lại với cơn bão số 3 – Yagi, song nhân dân Việt Nam vẫn không hề nao núng, bởi chính nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà dân tộc ta tiếp tục giữ vững được tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, tiếp tục đưa đất nước tiến đến đài vinh quang như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...